Bão số 10 đổ bộ vào đất liền đã gây thiệt hại rất lớn cho một số tỉnh miền Trung gồm: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Nghệ An và Thanh Hóa. Do ảnh hưởng của bão, dự báo trong một vài ngày tới ở một số địa phương còn có mưa to đến rất to, lũ trên các sông còn diễn biến phức tạp.
Mưa lớn trong bão số 10 khiến quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), chìm trong nước. Ảnh: Phan Quân - Hoàng Ngà - TTXVN |
Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, ứng phó với bão số 10, các tỉnh miền Trung đã di dời 29.000 hộ với trên 100.000 người, trong đó nhiều nhất là tỉnh Quảng Trị với gần 45.000 người. Theo thống kê ban đầu, siêu bão đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung với: 3 người chết, 35 người bị thương; 100.000 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái (trong đó Quảng Bình có tới trên 90.000 căn); hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp bị gẫy đổ, ngập úng; hàng nghìn ha muối, thủy hải sản ngập trong nước; hàng chục tàu thuyền bị sóng đánh chìm, hư hỏng.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1559/CĐ-TTg về việc khắc phục hậu quả cơn bão số 10. Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh theo dõi sát diễn biến mưa lũ để chỉ đạo ứng phó, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở, an toàn hồ chứa, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Các tỉnh bị thiệt hại nặng do bão số 10 gây ra phải khẩn trương tổ chức ngay việc kiểm tra nắm chắc tình hình thiệt hại để xử lý kịp thời: cứu chữa người bị thương, hỗ trợ các hộ gia đình có người bị chết, nhà bị sập đổ hư hỏng; huy động mọi nguồn lực để xử lý ách tắc giao thông, khắc phục sự cố thông tin, điện lực, xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo khắc phục hệ thống thông tin viễn thông nhanh nhất để phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó thiên tai và sản xuất, đời sống. Bộ Công Thương tập trung mọi nguồn lực để khắc phục sự cố lưới điện, đặc biệt với tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố giao thông đảm bảo sớm thông tuyến đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh.
Bộ Quốc phòng tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ các địa phương ứng phó mưa lũ, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả bão lũ. Bộ Công an tập trung chỉ đạo đảm bảo trật tự trị an, hướng dẫn giao thông khu vực bão… Ban Chỉ đạo phòng chống lụt, bão Trung ương tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ, đồng thời chỉ đạo các địa phương, bộ, ngành triển khai ứng phó kịp thời, tổng hợp tình hình thiệt hại, đề xuất Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, nguồn lực hỗ trợ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Người dân Quảng Bình khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 10 gây ra. Ảnh: Võ Thị Dung - TTXVN |
* Ngày 1/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kiểm tra tình hình thiệt hại do bão số 10 tại huyện Bố Trạch và thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), hai địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý chính quyền huyện Bố Trạch trước mắt hỗ trợ những người mất nhà cửa có nơi ăn chốn ở, tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người bị chết do bão. Chính quyền các địa phương trong tỉnh Quảng Bình cần huy động lực lượng thu dọn cây đổ, khôi phục đường sá, đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ công tác kiểm tra, khắc phục thiệt hại và ứng cứu, trợ giúp của chính quyền các cấp và các tổ chức cá nhân.
Theo thống kê sơ bộ, đến chiều 1/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có hàng chục ngàn ngôi nhà bị tốc mái và sập đổ; 8 tàu cá của xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) bị chìm ở khu neo đậu sông Roòn và 12 tàu khác bị sóng biển đánh bật lên đất liền, hư hỏng nặng. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống điện vẫn chưa được khôi phục gây mất điện toàn tỉnh, nhiều cột điện bị đổ, gãy và xiêu vẹo.
Bão cũng đã xô đổ cột thu phát sóng cao 142 m của Đài phát sóng, phát thanh Đồng Hới (TP Đồng Hới). Cột thu phát đè lên trụ sở hai tầng của đơn vị này và làm đổ thêm một số nhà dân ở gần kề. Trong vụ tai nạn này đã có hai người bị chết, một người bị thương nặng. Tất cả những người bị nạn đều là cán bộ của Đài phát sóng phát thanh Đồng Hới. Cột thu phát sóng đổ còn đè nát hai xe ô tô khách ở Bến xe Đồng Hới và làm tắc hoàn toàn tuyến đường cận kề.
Ngay trong sáng 1/10, tất cả cây xanh bị đổ ngã đã được dọn dẹp, các tuyến giao thông đã hoạt động bình thường trở lại. Công ty Điện lực Quảng Bình đã huy động lực lượng tập trung khắc phục hậu quả, trong chiều 1/10 một số điểm ở thành phố Đồng Hới được cấp điện trở lại.
* Tính đến 6 giờ ngày 1/10, tỉnh Hà Tĩnh đã có 1 người mất tích là chị Hồ Thị Mây (SN 1982 trú xã Hương Vĩnh), huyện Hương Khê và gần 1.500 ngôi nhà bị tốc mái.
Huyện Kỳ Anh bị nặng nhất với 4 xã bị ngập cục bộ là Kỳ Nam, Kỳ Thịnh, Kỳ Thư và Kỳ Trinh. Tại huyện Kỳ Anh, 1.153 ngôi nhà, 12 điểm trường, 2 trạm y tế, 2 nhà văn hóa bị tốc mái và nhiều cây cối bị gãy đổ. Tại huyện Lộc Hà, mưa bão cũng đã làm cho 216 ngôi nhà bị tốc mái, trên 200 ngôi nhà bị ngập chìm, gây sạt lở 3.000 m3 bờ ao nuôi trồng thủy, hải sản và hàng ngàn ha hoa màu bị hư hại.
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã huy động lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả cơn bão, sớm ổn định cuộc sống người dân.
*Tại Thừa Thiên - Huế, bão làm 2 người bị thương; 6 nhà bị sập, 368 nhà bị tốc mái. Nặng nhất là huyện Phong Điền với 133 nhà bị tốc mái (trong đó có 51 nhà kiên cố); huyện Phú Lộc có 117 nhà bị tóc mái, 3 nhà bị sập... Thiệt hại do sạt lở bờ biển gây ra trên tổng chiều dài 5.000 m.
Bão kết hợp với triều cường và sóng biển dâng cao còn làm sạt lở 20,5 km đê hữu sông Hương; đê tây phá Tam Giang; đê đông phá Tam G
iang đoạn qua các xã Điền Hải, Vinh Hà...; gây gãy đổ 5 cột điện trung thế, 10 cột hạ thế; làm toàn bộ phụ tải huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, Hương Trà mất điện, ước công suất thiệt hại 40 MW (khoảng 35% phụ tải toàn tỉnh)...
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động 3.400 cán bộ, chiến sĩ ứng trực đối phó
với bão, hỗ trợ, giúp dân chữa lại nhà cửa tại các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang. Ban Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 cũng khẩn trương xử lý giải tỏa cây và rác với khối lượng khoảng 5.000 m3 chắn trên thân đập của công trình hồ chứa nước Tả Trạch.
* Tại Quảng Trị, bão đã làm 17 người bị thương; gần 3.700 nhà bị sập, tốc mái; gần 6.900 ha cây cao su bị đổ gãy, 500 ha tiêu, 3.500 ha sắn, 2.000 ha hoa màu và hơn 500 ha nuôi tôm bị thiệt hại; 1,2 km đê kè Gio Việt bị sạt lở; trên 100 cột điện bị nghiêng đổ, đường dây điện bị đứt hơn 100 vị trí.
* Tại tỉnh Nghệ An có nhiều tuyến đường bị ách tắc giao thông do ngập nước và sạt lở đất đá, giao thông bị ách tắc, người và xe không thể qua lại, ngành giao thông đã tổ chức cắm biển cảnh báo, rào chắn, cử người trực gác 24/24 giờ. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Nghệ An tiến hành kiểm tra các tuyến đường, các đập tràn bị ngập và những vị trí sạt lở để chỉ đạo khẩn trương đảm bảo an toàn giao thông.
* Sáng 1/10, lực lượng Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa phối hợp với chính quyền địa phương đã cứu hộ thành công 5 thuyền viên trên tàu NĐ-1533 bị sóng đánh chìm trong cơn bão số 10.
Tàu NĐ-1533 dù đã vào vụng Hoằng Thanh (xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) tránh bão, nhưng do sóng to, gió lớn đã đánh sập khoang chở hàng trên tàu gồm 1.100 tấn phụ gia xi măng, nước tràn vào khoang tàu, khiến chủ tàu phải cho tàu chạy nhanh về hướng đất liền để cứu các thuyền viên trên tàu.
Đồn Biên phòng Hoằng Trường đã phối hợp với chính quyền địa phương huy động các phương tiện ra ứng cứu và đến 9 giờ sáng 1/10, tất cả 5 thuyền viên của tàu NĐ-1533 đã được cứu.
Với lượng mưa lên đến 500 mm và diễn ra trong thời gian ngắn đã làm 3 hồ chứa nước là hồ Đồng Đáng, hồ Thung Cối và hồ Cây Trầu (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) bị vỡ và hư hỏng. Lượng nước tích trữ trong 3 hồ kể trên có tổng dung tích lên đến gần 1 triệu m3 đổ ập xuống làm hơn 1.000 hộ dân ở 5 xã Tân Trường, Trường Lâm, Mai Lâm, Trúc Lâm, Hải Thượng… bị ngập sâu trong nước từ 1 - 1,5 m, có nơi ngập đến 2 m nước. |
TTN