Khan tiền, cạn sức hút ngoại binh

Khó khăn tài chính đã kéo theo sự bó hẹp của thị trường tuyển dụng, khiến các đội bóng tham dự V-League 2014 sử dụng gần như 2/3 nguồn ngoại binh của mùa giải năm ngoái.

 

Kể từ khi bóng đá Việt Nam mở cánh cổng chuyên nghiệp, các cầu thủ nước ngoài đã xuất hiện đông đảo tại sân chơi V-League, cũng như tại giải hạng Nhất. Đội bóng nào cũng sở hữu vài “ông Tây” và xu thế đó đã dần trở nên quen thuộc. Với sức vóc vượt trội so với các cầu thủ Việt, lực lượng ngoại binh này thậm chí có ảnh hưởng sống còn đến mục tiêu của nhiều đội bóng. Người hâm mộ Việt Nam không biết nên vui hay nên buồn về thống kê: Kể từ khi cầu thủ nước ngoài được thi đấu tại V-League (năm 2003), danh hiệu Vua phá lưới đều thuộc về các cầu thủ ngoại!

 

Xu thế sử dụng cầu thủ ngoại tại V-League hiện không còn ồ ạt như trước. Quang Nhựt - TTXVN


Tuy nhiên, vào thời điểm này, xu thế dùng ngoại binh tại V-League đã có nhiều thay đổi so với thời kỳ đầu. Hai nguồn ngoại binh gốc Phi và Nam Mỹ vẫn được ưa chuộng so với các cầu thủ gốc Á và châu Âu, nhưng do “cầu” hạn hẹp, nên nguồn “cung” đã chấm dứt cảnh ồ ạt như các năm trước. Cũng không còn những phi vụ đình đám như siêu sao Denilson người Brazil gia nhập Hải Phòng hồi năm 2009, hay làn sóng “hàng Thái” tại Hoàng Anh Gia Lai.


Đặc biệt, sau khi Ban tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp giới hạn mỗi CLB chỉ được phép đăng ký 3 cầu thủ ngoại trong một mùa giải và số lượng tối đa cầu thủ ngoại ra sân thi đấu cùng thời điểm ở mỗi đội bóng cũng chỉ là 3, thì số lượng cầu thủ nước ngoài xuất hiện mới tại V-League đã càng ít đi. Số cầu thủ ngoại nhập tịch Việt Nam hiện cũng giảm, dù điều đó giúp các đội bóng hợp pháp hóa nguồn ngoại binh trở thành nội binh, cho phép số “ông Tây” thực sự xuất hiện trên sân nhiều hơn so với quy định.


Mặc dù vậy, với thế mạnh lớn nhất là thể lực, các cầu thủ ngoại hiện còn tồn tại ở V-League cũng không lo nhàn rỗi, trong bối cảnh không ít ngôi sao nội đang phải xếp hàng nộp đơn tìm việc. Nhiều “ông Tây” tuổi đã xấp xỉ 30, nhưng vẫn quá sung mãn so với các cầu thủ Việt “mỏng cơm” và họ vẫn được các HLV ưu ái sử dụng, thậm chí nhận mức lương cao ngất ngưởng. Nếu Abbas từ Thanh Hóa chạy theo tiếng gọi của “đại gia” Becamex Bình Dương, thì Sunday cũng được xứ Thanh dang tay chào đón, sau khi bị lấy mất chỗ ở sân Gò Đậu. “Bò mộng” Timothy bị XM The Vissai Ninh Bình thanh lý đã được Hoàng Anh Gia Lai mời về. Hector mới rời Sông Lam Nghệ An đã được Hà Nội T&T trải thảm đỏ…


Nếu cầu thủ ngoại có thêm quốc tịch Việt Nam thì lại càng có giá. Thế mới có hiện tượng một cầu thủ nhập tịch khi hết hạn hợp đồng mau chóng được các đội bóng lôi kéo. Như tiền vệ Trung Sơn (Jefferson), Nguyễn Hoàng Helio, Phan Văn Santos bị Becamex Bình Dương loại thải đã được QNK Quảng Nam, Hoàng Anh Gia Lai và Hùng Vương An Giang lựa chọn. Thanh Hóa cũng lấy Lê Văn Tân (Quartey), Nguyễn Rogerio nhằm cụ thể hóa tham vọng xưng vương, sau khi đã tái hợp với Sunday và đưa trung vệ Van Bakel về gia cố hàng thủ. Còn Becamex Bình Dương, cũng tiếp tục là “thiên đường” đón ngoại binh nhập tịch, với sự xuất hiện của Đoàn Văn Marcelo (từ HAGL), Đặng Văn Robert (XMXT Sài Gòn) tại sân Gò Đậu, trong kế hoạch thay đến 70% lực lượng ở mùa này.


Bên cạnh xu thế sắm ngoại binh nhập tịch, cũng có vài bản hợp đồng thuộc diện “lạ”, điển hình như XM The Vissai Ninh Bình tuyển mộ tiền vệ Sim Woo Sub người Hàn Quốc từ Yangon Utd (Myanmar). Ngoài ra, một số đội bóng lại xem những trung vệ gốc Đông Âu là lựa chọn, như Goian (SHB Đà Nẵng, quốc tịch Romania), Petrisor (XM The Vissai Ninh Bình, quốc tịch Romania), Goran (Hà Nội T&T, quốc tịch Croatia). Trong khi đó, Sông Lam Nghệ An mùa này không đón thêm một ngôi sao người Trinidad & Tobago nào, như từng sở hữu Fagan, Kavin, Hector trước đây. Năm nay, do kinh phí hạn hẹp, đội bóng xứ Nghệ chỉ đăng ký tiền đạo Paul Emile, từng là tuyển thủ U23 Cameroon.


Lý giải cho việc này, HLV Nguyễn Hữu Thắng của SLNA phân trần: “Năm nay, đa phần các đội bóng chỉ tập trung mua tiền đạo hoặc trung vệ ngoại. SLNA cũng không phải ngoại lệ. Cái khó là tiềm lực tài chính của SLNA có hạn. Vừa rồi, tôi có đi Đức du lịch, đồng thời tranh thủ tìm thêm cầu thủ ngoại. Khổ nỗi, giá cầu thủ đá hạng 2 - 3 tại Đức cao ngang với những ngôi sao ngoại đã thành danh, có tên tuổi ở V-League. Do cầu thủ mới giá quá cao, hoặc vừa giá nhưng chất lượng lại kém, nên SLNA không đăng ký đủ 3 ngoại binh như các đội bóng khác”.


Ông Phạm Ngọc Viễn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) mới đây đã nói rằng: “Khó khăn (tài chính) giúp sàng lọc các CLB”. Còn với thị trường cầu thủ ngoại V-League, khó khăn cũng giúp sàng lọc chất lượng. Âu đó cũng là chuyện hay!


Nguyễn Tuấn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN