Khai thác tiềm năng du lịch Tây Bắc

Những năm gần đây, các tỉnh trong vùng Tây Bắc đã chủ động đẩy mạnh hoạt động liên kết phát triển; đẩy mạnh các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa từng địa phương trong khu vực, giữa các địa phương trong khu vực với nhau và với các trọng điểm phát triển du lịch ở các vùng du lịch khác trong cả nước.


Nhiều sáng kiến


Từ năm 2006, ba tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ đã liên kết xây dựng tuyến du lịch về cội nguồn. Nhiều địa danh du lịch, sản phẩm du lịch của 3 tỉnh đã trở thành quen thuộc với du khách nội địa, góp phần quảng bá, nâng cao nhận thức xã hội cho việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh, cũng như ý thức cùng khai thác và tôn vinh các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh ở mỗi địa phương. 


Từ năm 2008, Chương trình “Du lịch về cội nguồn” của 3 tỉnh được phát triển thành chương trình liên kết hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (gồm các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Phú Thọ), đây là một trong những nhóm hợp tác trong lĩnh vực du lịch đầu tiên ở vùng Tây Bắc của Việt Nam.

 

Thiên nhiên tươi đẹp và con người thân thiện là một trong những thế mạnh của du lịch Tây Bắc, thu hút nhiều du khách nước ngoài. Ảnh: Lê Phú


Chương trình hợp tác phát triển du lịch khu vực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đã hình thành được khung chương trình hành động phát triển du lịch của khu vực giai đoạn 2010 - 2015, trong đó quan tâm đến các hoạt động hợp tác có chiều sâu như hợp tác về cơ chế, chính sách, phát triển sản phẩm du lịch; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. 8 tỉnh trong khu vực đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động góp phần quan trọng hình thành bộ công cụ quảng bá du lịch của khu vực bao gồm biểu trưng, khẩu hiệu du lịch với đặc điểm riêng của khu vực và các tỉnh thành viên; thiết kế và đưa vào vận hành trang thông tin điện tử về du lịch chung của khu vực; phát hành chung 2 ấn phẩm quảng bá du lịch là bản đồ du lịch và cẩm nang hướng dẫn du lịch; tham gia các chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài nước...


Trong thời gian tới, 8 tỉnh tiếp tục phối hợp triển khai 4 lĩnh vực: Cơ chế, chính sách; phát triển sản phẩm; tuyên truyền, quảng bá và phát triển nguồn nhân lực. 8 tỉnh trong khu vực sẽ phối hợp Ban quản lý dự án ESRT của EU xây dựng 2 điểm đào tạo thành trung tâm đào tạo và thẩm định nghề du lịch cho khu vực và phối hợp khai thác, quản lý hiệu quả trang thông tin điện tử 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.


Thiếu “nhạc trưởng”


Nhìn chung, hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Bắc những năm qua đã đạt kết quả nhất định.


Chưa có cơ chế hợp tác hiệu quả, khó thành lập quỹ phát triển du lịch chung. Hoạt động liên kết hầu như mới dừng lại ở hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch giữa các địa phương, thiếu vắng vai trò của nhóm đối tác rất quan trọng là các doanh nghiệp du lịch và Hiệp hội du lịch và tính chủ động của người dân.


Hoạt động liên kết chưa dựa trên một chiến lược phát triển du lịch tổng thể của khu vực nên chưa xác định cụ thể sản phẩm nào, sản phẩm du lịch ở đây còn xơ cứng, thiếu hấp dẫn, nhiều di tích mới chỉ dừng ở mức trưng bày hiện vật, dịch vụ nào cần tập trung phát triển chung cho toàn khu vực dẫn đến tình trạng sản phẩm du lịch các địa phương không có điểm nhấn đặc thù.


Sự hợp tác giữa các địa phương trong khu vực còn mang tính hình thức, tính phối hợp chưa cao. Các chuỗi sự kiện văn hóa du lịch của các địa phương diễn ra mang tính trùng lắp về nội dung, chưa kết nối thời gian hợp lý, việc thống nhất đánh giá, giá trị của các sản phẩm du lịch chưa đồng bộ, còn hạn chế. Hoạt động liên kết “ngoại” vùng mới chỉ dừng lại ở từng tỉnh đơn lẻ. Có thể thấy, việc hợp tác liên kết phát triển du lịch nội vùng hoặc liên vùng chưa có một “nhạc trưởng” điển hình.


Hạ tầng cơ sở còn kém phát triển và thiếu đồng bộ là một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của nhiều ngành kinh tế, trong đó có du lịch ở Tây Bắc. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chưa đáp ứng được về số lượng và chất lượng đối với yêu cầu phát triển.


Đội ngũ nhân sự làm du lịch chưa có tính chuyên nghiệp cao; việc huy động cộng đồng bản địa phục vụ cho du lịch còn hạn chế.


Xây dựng cơ chế phối hợp


Để thực hiện chủ trương phát triển du lịch bền vững vùng Tây Bắc, trước mắt cần:


Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương xây dựng đề án phát triển du lịch vùng Tây Bắc. Đây là cơ sở để triển khai các nội dung liên kết và hợp tác. Đề án cần được xây dựng trên cơ sở Chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch quốc gia; quy hoạch phát triển du lịch vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Chỉ ra được những sản phẩm du lịch nào, những hoạt động xúc tiến quảng bá nào cần hợp tác đầu tư phát triển; xác định đâu là thương hiệu và các sản phẩm du lịch mang bản sắc của vùng. Các tỉnh trong khu vực cần thống nhất xác định các điểm ưu tiên phát triển để tạo sức lan tỏa trong toàn khu vực. Các điểm này cũng sẽ là các điểm ưu tiên khi kêu gọi vốn đầu tư phát triển du lịch chung cho khu vực.


Xây dựng được cơ chế, nội dung liên kết phát triển du lịch có hiệu quả.


Để xây dựng được cơ chế liên kết hiệu quả rất cần có sự bàn thảo kỹ lưỡng ở cấp cao, có sự tham gia của tất cả các đối tác có liên quan trên cơ sở sự đồng thuận và đặc biệt là tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật và nguồn vốn từ các dự án quốc tế. Trong giai đoạn đầu của liên kết, chỉ nên hình thành cơ chế khung, các điều khoản nên được bổ sung dần trên cơ sở những vấn đề phát sinh trong quá trình hợp tác. Những nội dung và cơ chế này cũng cần dựa trên nền tảng đề án phát triển du lịch đã được thống nhất xây dựng chung.


Tăng cường vai trò của các doanh nghiệp trong các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển.


Hoạt động liên kết giữa các tỉnh trong khu vực phải là cầu nối, là diễn đàn để liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch. Tiếng nói của doanh nghiệp nên được coi trọng và cần có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp liên kết xây dựng những tour du lịch mới nhằm lôi kéo khách quốc tế, phối hợp tạo điều kiện để các hãng lữ hành nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc để chào bán trong bốí cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay để nâng cao hơn sức cạnh tranh.

 

Hoàng Thị Hạnh (Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN