Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải

Thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư công chiều 27/11, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành luật nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời, việc ban hành Luật Đầu tư công nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng việc thực hiện cam kết với các đối tác phát triển về minh bạch, chuẩn mực trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Đầu tư công phải là bước đột phá về thể chế, tác động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu đầu tư; tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, khắc phục triệt để những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước về đầu tư công hiện nay, nhất là khâu quyết định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư và phân bổ vốn đầu tư.


Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đánh giá dự án Luật Đầu tư công đã cơ bản xây dựng được một bộ khung với trình tự, các bước thủ tục, phân cấp quyết định đầu tư và kiểm soát từ khâu đầu đến khâu cuối của quá trình đầu tư công. Đặc biệt, dự thảo luật đã quy định rõ trách nhiệm của người quyết định ngay từ khâu lập, phê duyệt chủ trương đầu tư. Trách nhiệm này còn được kiểm soát bằng các điều kiện quy định rõ ràng, mang tính bắt buộc trước khi phê duyệt. Đại biểu nhấn mạnh, dự thảo luật đã đáp ứng được nguyên tắc rất quan trọng trong phương pháp quản lý hiện đại, hướng đến hiệu quả và tiết kiệm chi phí, đó là nguyên tắc làm đúng ngay từ đầu, góp phần nâng cao chất lượng các kế hoạch đầu tư, các dự án đầu tư cũng như xác định rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan đến hoạt động đầu tư công; hạn chế được lãng phí ngay từ khâu chủ trương đầu tư.

 

Sáng 27/11, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, các đại biểu đều đồng tình với việc sửa đổi luật hiện hành nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giao thông đường thủy theo hướng ngày càng hiện đại, đáp ứng các điều kiện mới của quá trình phát triển kinh tế, xã hội nói chung, xây dựng kết cấu hạ tầng và bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nói riêng.

 

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN