Khác biệt trong vụ mất tích máy bay AirAsia và MH370

Sự biến mất của máy bay mang số hiệu QZ8501 thuộc hãng hàng không AirAsia (Malaysia) ngoài khơi Indonesia ngay lập tức khiến nhiều người liên tưởng đến chiếc máy bay MH370 (Malaysia Airlines) mất tích vào tháng 3 cùng năm, tuy nhiên có nhiều sự khác biệt trong hai trường hợp này.

Có những điểm mấu chốt khác biệt cho thấy khả năng tìm kiếm được máy bay biến mất của AirAsia không giống chiếc MH370 đã mất tích 9 tháng trước đó.

Một máy bay của AirAsia. Ảnh: TASS


Vào sáng sớm ngày 28/12, máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không giá rẻ AirAsia đã biến mất khỏi màn hình radar vào lúc 6 giờ 17 phút (giờ địa phương) khi đang trên hành trình bay từ Surabaya, Indonesia tới Singapore. Có 162 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay.

Khác biệt do vùng biển


Tuy nhiên điều khác biệt quan trọng nhất nằm ở địa điểm được cho là nơi máy bay Airbus A320-200 của AirAsia rơi thuộc vùng biển Java, khác với vùng đáy biển sâu ở Ấn Độ Dương nơi MH370 được cho là biến mất.

John Nance, một chuyên gia hàng không và là cựu phi công của Không quân Mỹ cho biết vùng biển Java là nơi dễ dàng tìm kiếm. Nance nói: “Biển Java dễ tìm kiếm hơn bởi nơi đây đã được đo đạc kỹ lưỡng và vẽ hải đồ”.

Còn khu vực nơi MH370 được cho rằng đã rơi ở vùng biển sâu chưa được khám phá hết và gây nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm hộp đen máy bay.

Trong trường hợp của QZ8501, nếu chiếc máy bay này rơi xuống biển, nhiều khả năng nó sẽ nằm ở khu vực đáy biển Java nơi nhiều tàu thuyền qua lại khiến việc định vị và tìm kiếm có thể dễ dàng hơn.

Nacne phân tích tuy QZ8501 là chiếc Airbus A320-200, có kích thước nhỏ hơn so với chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 nhưng việc quan sát và tìm kiếm mảnh vỡ lại tương tự như nhau.

Không quá nhiều bí ẩn

Khi MH370 mất tích trên hành trình bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc), bộ phận phát tín hiệu của máy bay dường như bị cố ý tắt, phi công ngừng phát tín hiệu radio và bất ngờ đổi hướng máy bay và được cho đã bay thêm một khoảng cách dài. Những tình tiết đầy bất ngờ đã dấy lên lo ngại về khủng bố và mang nhiều tính bí ẩn nhưng trường hợp của máy bay AirAsia thì không như vậy.

Peter Goelz, chuyên gia hàng không và cựu nhân viên của Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ nhận định: “Trong trường hợp của AirAsia có sự giao tiếp bình thường với giữa cơ quan kiểm soát không lưu và phi công. Theo đó tình huống thời tiết xấu là nguyên nhân chính khiến phi công muốn đổi độ cao của máy bay".

Kiểm soát không lưu đã có lần liên lạc cuối cùng với phi công của Air Asia vào lức 6 giờ 13 phút và máy bay vẫn xuất hiện trên radar cho đến 6 giờ 17 phút.

Kinh nghiệm từ MH370


Nhiều giờ sau khi máy bay MH370 của Malaysia Airlines biến mất, nhiều lộn xộn đã xảy ra bởi thông tin liên quan tới chiếc máy bay liên tục có nhiều thay đổi, trong khi đó, thân nhân những người mất tích tỏ ra bất bình.

Thân nhân một hành khách trên chuyến bay QZ8501 lo lắng nói qua điện thoại. Ảnh: Reuters


Trong trường hợp của máy bay AirAsia, chính phủ và lãnh đạo của hãng hàng không đã có xử lý nhanh nhạy hơn. Quan chức Indonesia nhanh chóng lên kế hoạch tìm kiếm, huy động tàu thuyền từ Hải quân tham gia nhiệm vụ đồng thời kêu gọi hỗ trợ từ các nước Malaysia, Singapore và Australia.

CEO của AirAsia, ông Tony Fernandes đã đăng trên trang mạng xã hội cá nhân Twitter rằng suy nghĩ duy nhất hiện nay của ông là về hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay QZ8501 đồng thời cho biết hãng AirAsia sẽ làm mọi thứ có thể để tìm kiếm chiếc máy bay.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein đăng trên Twitter: “Tôi sẽ luôn sát cánh cùng các bạn”.

Với số liệu cụ thể về khoảng thời gian máy bay QZ8501 mất liên lạc và khu vực tìm kiếm ở phạm vi nhỏ hơn, cũng như thông tin rõ ràng về tình trạng thời tiết vào thời điểm đó, Steven Wallace, cựu giám đốc Văn phòng điều tra tai nạn của Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ nhận định: “Họ biết khá chắc về nơi chiếc máy bay có thể rơi và mực nước chỉ ở độ sâu khoảng 46 mét, khác với hơn 6km ở đáy biển Ấn Độ Dương".


Hà Linh (Theo AP, CNN)

Máy bay AirAsia rơi do bị đóng tuyết?
Máy bay AirAsia rơi do bị đóng tuyết?

Chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay Airbus A320-200 mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia (Malaysia) vẫn đang được khẩn trương tiến hành, với nguyên nhân ban đầu được xác định là do thời tiết xấu - mối nguy hiểm “xưa như trái đất” của ngành hàng không.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN