Tự kỷ và bại não đang trở thành mối quan tâm hàng đầu trong lĩnh vực phục hồi chức năng nhi khoa. Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã xây dựng mô hình điều trị kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại, giữa y học với giáo dục, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan.
40% trẻ tàn tật tại Việt Nam là tự kỷ và bại não
Thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, ở Việt Nam có khoảng 5-7% trẻ tàn tật ở độ tuổi dưới 15, trong đó trẻ tự kỷ và bại não chiếm khoảng trên 40%. Khoa Nhi, Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội) mỗi năm cũng có trên 3.000 lượt trẻ tự kỷ và bại não đến điều trị. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không theo đúng liệu trình là trẻ có thể bị tàn phế, không học tập được, không tự phục vụ cho bản thân các hoạt động hằng ngày…
Theo các chuyên gia, hiện nay rất nhiều trẻ được chẩn đoán mắc chứng bệnh tự kỷ, tuy nhiên thực chất trong số này có nhiều trẻ không phải bị tự kỷ mà bị bại não. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến trẻ bị bại não như mẹ bị cúm, tiểu đường khi mang thai… hoặc khi sinh mẹ bị tai biến, trẻ có thể bị ngạt… Ngoài ra đây cũng là biến chứng của các bệnh viêm não, màng não, xuất huyết não… Trong khi đó, tự kỷ là một rối loạn phát triển lan tỏa, liên quan đến rối loạn gene.
Một trẻ bại não đang được châm cứu điều trị bệnh. |
Đặc biệt, với trẻ tự kỷ, việc phát hiện sớm gặp nhiều khó khăn. Một nghiên cứu mới đây của thạc sĩ Dương Văn Tâm và các cộng sự với 76 trẻ tự kỷ điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho thấy, trong số này chỉ có 12% trẻ được phát hiện bệnh trước 2 tuổi, một tỷ lệ quá thấp. Có một tỷ lệ khá cao bố mẹ chưa biết về bệnh tự kỷ, các dấu hiệu để phát hiện sớm bệnh như điếc giả, hành vi lạ, chơi một mình… chưa được quan tâm mà chỉ đến khi trẻ chậm nói lúc 2 tuổi, gia đình mới để ý tới. Ngay cả khi trẻ có dấu hiệu bất thường thì cũng chỉ có gần 48% trẻ được đưa đi khám ngay.
Điều này cho thấy kiến thức về bệnh, phát triển tâm lý ở trẻ em ở các phụ huynh còn quá yếu. Một số trường hợp còn do y tế tuyến trước không chẩn đoán ra, cho rằng cháu bị chậm phát triển nên gia đình cũng chờ. Bên cạnh đó, bố mẹ bận công tác, ít quan tâm chăm sóc và gần gũi trẻ. Đây cũng là nguyên nhân làm trẻ phát bệnh nặng hơn.
Kết hợp đông-tây y và giáo dục kỹ năng sống
Để những trẻ bại não, tự kỷ có thể hòa nhập với cộng đồng thì cần phải tiến hành điều trị lâu dài. Trong khi đó, số trẻ mắc mới ngày càng gia tăng nên cơ sở điều trị cho trẻ tự kỷ, bại não đều bị quá tải. Trẻ được điều trị và phục hồi chức năng trong môi trường chật chội, có bé chỉ được tập phục hồi chức năng 1-2 buổi/tuần, thậm chí là tập vào buổi tối…, PGS-TS Nghiêm Hữu Thành, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết.
Trước thực tế đó, ngày 29/5, Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã khai trương đơn vị châm cứu và chăm sóc đặc biệt cho trẻ tự kỷ, bại não. Mục đích là nhằm xây dựng mô hình chuẩn kết hợp châm cứu y học cổ truyền với y học hiện đại, giữa y học và giáo dục trong điều trị cho trẻ tự kỷ, bại não, sớm đưa trẻ tái hòa nhập cộng đồng.
Phó giáo sư Thành cho biết, thực tế mô hình này đã được triển khai từ một vài năm trước và đã mang lại kết quả khả quan. Trên cơ sở đó bệnh viện mới tiếp tục mở rộng điều trị cho bệnh nhi.
Cụ thể, với bệnh bại não năm 2009, khoa Nhi, Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã điều trị cho 1.308 trẻ thì có 237 cháu khỏi hoàn toàn (chiếm tỷ lệ hơn 18%). Đến năm 2011 thì tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn được nâng lên 21%, 298 trẻ bại não được chữa khỏi trong số 1.414 trẻ. Trẻ được đánh giá là khỏi hoàn toàn khi đi lại, nói, đi học, hòa nhập hoàn toàn.
Với trẻ tự kỷ, qua theo dõi điều trị cho 76 trẻ từ năm 2008 đến 2011, các bác sĩ nhận thấy châm cứu có tác dụng làm thuyên giảm mức độ nặng của các dấu hiệu lâm sàng chính về kỹ năng tương tác xã hội, ngôn ngữ và các hành vi bất thường. Chẳng hạn, tỷ lệ trẻ chơi một mình giảm từ 89,4% xuống còn 53,9%, hành vi lạ giảm từ 86,8% xuống còn 50%, không biết chỉ bộ phận cơ thể từ 89,5% còn 40,8%...
Bài và ảnh: Châu Anh