Kem mút đầu mùa

Mới tháng hai âm lịch mà tiết trời oi bức như thể mùa hè đã về rồi. Đang mải miết nhìn ngắm chùm xoan tím tháng ba, bỗng một âm thanh nghe vừa lạ vừa quen vọng vào như lạc giữa không gian. Tiếng “kem mút… kem mút” vang lên từ chiếc còi cầm tay của ông già bán kem trên chiếc xe đạp cũ. Âm thanh rất đỗi bình thường chợt làm tôi nhớ lại ngày thơ bé, nhớ về những kí ức tuổi thơ của những đứa trẻ nông thôn lam lũ.


Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê yên ả. Trong bao kỷ niệm tuổi thơ êm đềm, có hình ảnh que kem và tiếng còi rao “kem mút…”. Niềm háo hức đợi chờ mỗi ngày có người bán kem đi qua ngõ luôn thường trực trong lũ trẻ chúng tôi. Mặc dù có khi cả tuần mới được ăn kem một lần, có khi chẳng có tiền để mua nhưng những đứa trẻ quê chúng tôi cứ chờ đợi, chờ đợi.


Ngày ấy, kem bán rất rẻ, chỉ cần 20 đồng là mua được bốn que kem cho mấy chị em ăn. Nhưng ngày đó, trẻ con thôn quê thì làm gì có tiền để mua kem liên tục. Chúng tôi nghĩ ra một cách là hàng ngày tìm sưu tầm, tích cóp lông gà, vỏ trai, sắt vụn, nhựa hỏng và đồ hộp để thỉnh thoảng có chút “vốn” đổi kem. Tôi nhớ thỉnh thoảng bố lại cho chúng tôi những cái chai sứt miệng hay những chiếc chậu sắt tây đã bị thủng không hàn được nữa, hoặc những đôi dép rách vá chằng vá đụp, đến nỗi không còn chỗ nào để hàn ... để chúng tôi tích lại mang đổi kem. Mỗi chai sáu lăm có thể đổi được tới hai que kem, ăn ra trò, hay một đôi dép rách cũng được tới hai que. Chỉ có lông gà lông vịt là tốn, hàng túi to mà chỉ được một que. Chúng tôi cầm que kem ăn vui vẻ với “thành quả lao động” của mình.


So với bây giờ, kem ngày đó không được ngon, chỉ là chút bột gạo nếp với đậu đen kèm theo chủ yếu là đá có chút đường, ăn sồn sột. Vậy mà, với lũ trẻ quê chúng tôi, đó là thứ quà sang nhất và thích nhất. Cầm que kem đưa lên miệng, chúng tôi không dám ăn ngay mà ngắm nghía mãi, hít hà mãi để ngửi mùi thơm của dầu chuối sau đó mới cho vào miệng mút từng tí, ngậm hồi lâu cho cái mát lạnh thấm sâu vào miệng, vào tận trong cổ. Kem ăn xong, vẫn thấy tiếc nuối cái cảm giác thơm thơm, lạnh lạnh. Có lần, do được điểm cao, chúng tôi được bố cho đi thị trấn chơi rồi rẽ vào xưởng làm kem. Ở đó, chúng tôi được ăn một bữa thỏa thích, vui biết nhường nào.


Ngày nào cũng vậy, qua ngõ là bác bán kem chạc tuổi 50, chiếc áo nâu giản dị, chiếc mũ cối bạc màu, bền bỉ trên chiếc xe đạp hoen rỉ. Đằng sau xe là chiếc thùng vuông vắn bọc bằng cót ép, bên trong đệm bằng vô số những xốp và vải để giữ lạnh cho kem. Một tay bác lái xe, tay kia cầm chiếc còi tự chế bằng lọ nhựa và đầu kèn, bóp vào kêu “kem mút…kem mút” vang khắp đường làng.


Lớn lên, chúng tôi đi học xa nhà rồi đi công tác, ít khi ăn kem ở quê như ngày nào. Có lần về quê, tôi vẫn thấy có bán kem nhưng không phải là kiểu bán như ngày xưa nữa. Người bán kem giờ ngồi ung dung trên chiếc xe máy không dùng tiếng còi bíp để gọi như trước mà thay vào đó là lời nói “ai kem đi, kem Tràng Tiền, kem sữa dừa tuyệt hảo đây !” được thu âm lại và phát ra từ chiếc loa nhỏ. Tôi chạy ra mua cho bọn trẻ mấy que nhưng hình ảnh que kem ngày ấy không còn. Trước mắt tôi là những que kem được bọc trong giấy bóng xanh đỏ, rồi hộp kem đựng trong cốc nhựa. Giá lại đắt hơn nhiều…


Những trưa hè, tôi cố để ý và lắng nghe tiếng còi kem mút ngày xưa. Tuy vẫn còn nhưng ít lắm tiếng “kem mút” quen thuộc thuở nào. Tôi tự nhiên như xa lạ với âm thanh này, và tiếng rao ấy mỗi trưa hè như lạc vào không gian, như tan biến vào con đường xa tắp. Tôi lại lật tìm tiếng “kem mút” trong kí ức tuổi thơ tôi.



Nguyễn Thế Lượng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN