Ngày 20/8, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết chiến dịch quân sự của nước này tại Gaza có thể còn kéo dài, đồng thời cáo buộc phong trào Hamas kiểm soát vùng lãnh thổ này có hành vi "tàn bạo" với dân thường như nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq.Nhân viên cứu hộ Palestin tìm kiếm nạn nhân dưới những đống đổ nát sau vụ không kích của Israel tại thành phố Gaza ngày 19/8. Ảnh: THX-TTXVN |
Tại một cuộc họp báo ở Tel Aviv, Thủ tướng Netanyahu cho biết cuộc chiến tại Gaza phát động hôm 8/7 "sẽ là một chiến dịch liên tục" nhằm khôi phục "sự ổn định và an toàn" cho các công dân Israel.
Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu cũng cho hay ông nhìn thấy "một đường chân trời ngoại giao mới" ở phía trước cho Israel, ý nói khả năng ngoại giao với Palestine khi chiến tranh kết thúc.
Cũng trong ngày 20/8, cánh vũ trang của Phong trào Hồi giáo Hamas, Lữ đoàn Ezzedine al-Qassam, đã tuyên bố ngừng tham gia vào nỗ lực nhằm tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn lâu dài với Israel do Ai Cập làm trung gian, trong bối cảnh bạo lực leo thang sau khi lệnh ngừng bắn 24 giờ sụp đổ.
Trong bình luận phát trên kênh truyền hình Al-Aqsa của Hamas, Phát ngôn viên của Lữ đoàn Ezzedine al-Qassam nêu rõ: "Chúng tôi yêu cầu phái đoàn Palestine rút khỏi Cairo ngay lập tức và không quay trở lại".
Trong một diễn biến khác, theo nhận định hôm 20/8 của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn "Nhà Kinh tế" (Anh), kế hoạch kiện Israel ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) liên quan đến những đợt không kích hủy diệt Dải Gaza gần đây có thể sẽ giúp Palestine tăng cường lợi thế trên bàn đàm phán để sớm đạt được thỏa thuận hòa bình ở Trung Đông.
Từ trước tới nay, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel thường lâm vào bế tắc hoặc đổ vỡ. Nguyên nhân chủ yếu là tình trạng mất cân đối nghiêm trọng trong cán cân quyền lực giữa hai bên tham gia đàm phán mà lợi thế thường nghiêng hẳn về phía Israel.
Tháng 4/2012, ICC đã từ chối điều tra cáo buộc liên quan đến cuộc chiến ở Dải Gaza năm 2008-2009 bởi các vùng lãnh thổ Palestine không được coi là một quốc gia. Tuy nhiên, tháng 11/2012, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết công nhận Palestine là một nhà nước "không phải thành viên" với quy chế được nâng cấp. Điều này mở ra cơ hội cho Palestine tham gia ICC bằng cách ký Đạo luật Rome. Mặc dù vậy, hiện Palestine vẫn chưa thể thúc đẩy kế hoạch gia nhập ICC do sức ép từ phía Israel và một số nước phương Tây.
TN (
Theo Reuters/AFP)