Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Khalid al-Obiedi ngày 4/3 tuyên bố quân đội nước này sẽ giải phóng thành phố Mosul, hiện bị nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng chiếm giữ, mà không cần sự hỗ trợ của các lực lượng nước ngoài.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz tại Baghdad, Bộ trưởng al-Obiedi cho biết tất cả các đợt phản công vào thành phố Mosul sẽ do các lực lượng an ninh Iraq thực hiện, theo đúng kế hoạch, thời điểm và cách thức. Iraq sẽ không yêu cầu sự hỗ trợ từ bất cứ lực lượng nào khác trong cuộc chiến chống IS và liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu sẽ chỉ hỗ trợ không quân.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz nói rằng Ankara cam kết hợp tác với Iraq trong các lĩnh vực an ninh và tình báo nhằm ngăn chặn sự lan truyền của chủ nghĩa khủng bố trong khu vực.
Binh sĩ Iraq tham gia huấn luyện tại căn cứ ở quận Bardarash, cách Mosul khoảng 30km. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Yilmaz bắt đầu chuyến thăm chính thức 2 ngày đến Baghdad từ 4/3 để thảo luận với giới lãnh đạo Iraq về các hoạt động quân sự chống IS. Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra chỉ một ngày sau khi chính phủ nước này phái 2 máy bay chở hàng viện trợ quân sự phi sát thương cho Iraq.
Cũng trong ngày 4/3, các lực lượng an ninh Iraq tiếp tục triển khai chiến dịch tấn công lớn nhằm giải phóng tỉnh Salahuddin ở miền Bắc.
Theo các nguồn tin an ninh, quân đội chính phủ Iraq và các chiến binh Hồi giáo dòng Sunni và Shii’te, được sự hỗ trợ của máy bay chiến đấu, đã tấn công khu vực mỏ dầu Ajil ở phía Đông thủ phủ Tikrit, cách thủ đô Baghdad khoảng 170 km về phía Bắc. Sau nhiều giờ giao tranh, quân chính phủ đã giành quyền kiểm soát mỏ dầu này. Trước đó, quân đội Iraq cũng đã đánh bật các phần tử cực đoan và giải phóng mỏ dầu Allas gần đó. Tại các thị trấn Dour ở phía Nam Tikrit và al-Alam ở phía Đông thành phố cũng đã diễn ra những cuộc giao tranh giữa quân đội Iraq và các tay súng IS.
Từ ngày 1/3, quân đội Iraq mở chiến dịch tấn công quy mô lớn nhằm giải phóng khu vực phía Bắc tỉnh Salahuddin, một trong những sào huyệt chính của IS tại miền Bắc Iraq.
Trong một diễn biến khác, ngày 4/3, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh của Indonesia Tedjo Edhy Purdijatno thông báo 16 công dân nước này, được cho là mất tích khi đi du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ, bị nghi ngờ đã gia nhập IS.
Ông Purdijatno cho biết đã nhận được báo cáo rằng 16 người Indonesia này đã tham gia chuyến du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ do một công ty du lịch trong nước tổ chức và hiện vẫn chưa trở về. Ngoài ra, quan chức trên cũng xác nhận ít nhất 514 công dân của quốc gia Đông Nam Á này đã tới Syria và Iraq để gia nhập IS.
Trong khi đó, theo Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Indonesia Marciano Norman, Chính phủ Indonesia đã đề nghị Cơ quan Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ tìm kiếm các công dân nói trên. Công tác điều tra vẫn đang được triển khai và chưa thể chắc chắn liệu 16 người Indonesia trên đã gia nhập IS hay không.
Do có chung đường biên giới với Iraq và Syria, Thổ Nhĩ Kỳ được các tay súng nước ngoài xem là điểm trung chuyển để tới những vùng chiến sự ở hai quốc gia này.
TTXVN/Tin tức