Ì ạch dự án đối phó biến đổi khí hậu

Nhìn tổng quan, các tỉnh ĐBSCL chưa đủ khả năng đối phó với các hiểm họa biến đổi khí hậu (BĐKH) một cách toàn diện, nhưng để giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH, việc triển khai gấp rút và kết hợp hài hòa các dự án mang tính giải pháp công trình và phi công trình là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, có dự án đã triển khai nhưng thực hiện rất chậm, có dự án chưa triển khai được vì chưa có vốn.


Nhiều dự án cấp bách


Tại tỉnh Cà Mau, theo thông tin từ Sở NN&PTNT, hiện tỉnh đang triển khai dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây với tổng vốn đầu tư 30,8 tỷ đồng và 7 dự án đầu tư nước ngoài (vốn ODA) liên quan đến BĐKH với tổng số vốn được tài trợ là trên 1.258 tỷ đồng. Tỉnh Cà Mau còn đề xuất với Chính phủ thực hiện các dự án quan trọng liên quan đến Chương trình 1570 của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 9/2013 về thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

 

Hàng rào giữ bùn để phục sinh rừng ngậm mặn tại ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.


Theo đó, tỉnh Cà Mau đã đề xuất với trung ương các dự án cấp bách như: Dự án “Đầu tư khu tái định cư rừng phòng hộ biển Tây” tại địa bàn huyện Trần Văn Thời với mục tiêu bố trí, sắp xếp lại dân cư ở vùng ảnh hưởng thiên tai do BĐKH nước biển dâng, sạt lở, lũ; đưa dân ra khỏi vùng xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng... nhằm nâng cao, ổn định đời sống của người dân với tổng mức đầu tư trên 72 tỷ đồng, trong đó ngân sách của trung ương là 71 tỷ đồng.

Dự án “Đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở bờ biển khu du lịch Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển” với tổng vốn đầu tư bằng ngân sách trung ương hơn 246 tỷ đồng. Dự án “Phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển tỉnh Cà Mau giai đoạn 2014 - 2017” với tổng số vốn đầu tư hơn 249 tỷ đồng, trong đó nguồn từ ngân sách trung ương là 244 tỷ đồng. Dự án “Đầu tư xây dựng đê biển Đông” với mục tiêu phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ngăn triều cường, nước biển dâng để bảo vệ cho khoảng 260 ngàn dân và gần 140 ngàn ha đất tự nhiên với tổng vốn đầu tư bằng ngân sách trung ương 996 tỷ đồng.


Tỉnh Kiên Giang, từ năm 2012 đã được trung ương phê duyệt 3 dự án theo mức độ ưu tiên gồm: Dự án “Đầu tư nâng cấp đê biển từ Hà Tiên đến Tiểu Dừa”, dự án “Khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển chống mực nước biển dâng”, dự án “Quản lý tổng hợp vùng bờ, thích ứng với BĐKH vùng ven biển và hải đảo tỉnh Kiên Giang” với tổng vốn của 3 dự án trên là 2.215 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã rà soát và xác định 3 dự án cần ưu tiên gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ xem xét gồm: “Đầu tư xây dựng công trình cống sông Kiên”, dự án “Đầu tư xây dựng công trình cống kênh Cụt”, dự án “Đầu tư xây dựng công trình cống kênh Nhánh” tại thành phố Rạch Giá. Hiện nay, công trình cống sông Kiên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1443/TTg-QHQT ngày 19/9/2012 và đang được triển khai xây dựng trong năm 2013.


Triển khai chậm


Vừa qua, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã có kiến nghị gửi đến Ủy ban Thường vụ quốc hội về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống BĐKH. Theo đó, UBND tỉnh cho biết đã chủ động rà soát, phân kỳ đầu tư, lựa chọn các hạng mục ưu tiên phù hợp với nguồn vốn đầu tư có trọng điểm, đảm bảo đúng lộ trình thực hiện. Tuy nhiên, còn một số dự án do trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh tiến độ triển khai chậm.


Theo đó, dự án “Đầu tư xây dựng công trình cống sông Kiên, thành phố Rạch Giá” với tổng vốn đầu tư hơn 236 tỷ, thời gian thực hiện từ năm 2012-2015, nhưng đến năm 2013 mới nhận được vốn thực hiện dự án là 34 tỷ đồng (30 tỷ đồng vốn Trung ương cấp, 4 tỷ đồng vốn đối ứng của địa phương). Dự án “Quản lý tổng hợp vùng bờ tỉnh Kiên Giang ứng phó với BĐKH và nước biển dâng”, dự án “Khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển chống mực nước biển dâng” đến nay vẫn chưa nhận được nguồn vốn từ trung ương trong chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH.


UBND tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị, trước mắt, tỉnh Kiên Giang rất cần Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ tìm nguồn vốn để kịp thời đầu tư cho các dự án liên quan đến quản lý chống xói mòn, sạt lở ven biển, phục hồi rừng ngập mặn và cải thiện sinh kế cho cư dân ven biển; cải thiện hệ thống cảnh báo sớm và nâng cao khả năng chủ động phòng chống thiên tai do BĐKH của cộng đồng dân cư ven biển và mở rộng cấp nước Rạch Giá về phía Nam. Đối với các dự án BĐKH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm bố trí kinh phí để triển khai dự án đúng tiến độ.


Đối với tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cũng trăn trở khi nhắc đến hàng loạt dự án. “Đây là những dự án ưu tiên cần phải quan tâm đầu tư để kịp thời ứng phó với BĐKH. Nhưng để thực hiện đúng tiến độ, kịp thời cần phải có sự quan tâm từ các bộ, ngành trung ương. Đơn cử như dự án xây dựng mới tuyến đê biển Tây dài 76 km, kinh phí 996 tỷ đồng với nguồn vốn đầu tư quá lớn nên địa phương mình không làm nổi, mà trong chương trình BĐKH của quốc gia thì các tuyến đê này được bảo đảm. Nhưng nói gì thì nói chứ đến giờ này trung ương vẫn chưa đầu tư được gì nhiều”, ông Tranh cho biết.

 

Có cơ chế đặc thù cho ĐBSCL

Cần tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và có cơ chế chính sách riêng, đặc thù từng lĩnh vực cụ thể cho vùng ĐBSCL - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề từ BĐKH. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ nhà ở đối với những đối tượng dễ bị tổn thương do BĐKH, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với quy hoạch lại vùng sản xuất nguyên liệu, chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho phù hợp với điều kiện BĐKH.

Ông Dương Quốc Xuân (Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ)

 

Thống nhất đầu mối thích ứng giảm nhẹ BĐKH

Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BĐKH còn thiếu đồng bộ, chưa có cơ chế rõ ràng về sự phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương; quá trình lồng ghép các vấn đề về BĐKH vào chính sách, chương trình kế hoạch và phát triển ngành vẫn còn hạn chế. Do vậy, cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thực hiện phân công, phân cấp hợp lý theo hướng thống nhất các đầu mối về thích ứng và giảm nhẹ BĐKH giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương; tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác ứng phó với BĐKH; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp, đầu tư tài chính cho ứng phó với BĐKH; đồng thời phát triển các chuyên ngành khoa học về quản lý, đánh giá, giám sát và dự báo tác động của BĐKH đối với phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, tiêu dùng...

Ông Nguyễn Văn Tuệ
(Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu)

 

Ưu tiên bố trí vốn hàng năm

Lượng dân di cư tự do sinh sống trong rừng tràm, rừng phòng hộ xung yếu, vườn quốc gia, rừng đặc dụng rất lớn; dân cư sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao còn nhiều nên mỗi mùa mưa bão đều đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Việc bố trí lại dân cư, sắp xếp lại sản xuất để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, củng cố an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện xóa đói giảm nghèo… là rất cần thiết và bức bách. Tuy nhiên, ngân sách tỉnh còn khó khăn không thể cân đối được. Đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, xem xét ưu tiên bố trí vốn hàng năm theo kế hoạch.

Ông Nguyễn Văn Tranh
(Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau)

 

Đảm bảo sinh kế cho dân

Thời gian qua, xã được hưởng lợi từ dự án xây dựng kè biển, đến nay đã đi qua 2 giai đoạn với tổng chiều dài kè biển đã hoàn thành là 1.315 m. Giai đoạn 3 dự kiến sẽ triển khai từ 2013 với chiều dài 2.000 m nhưng đến nay đã bước qua năm 2014 dự án kè biển giai đoạn 3 vẫn chưa được triển khai do thiếu vốn. Nguy cơ tiếp tục mất rừng phòng hộ tại đây vẫn tiếp tục diễn ra từng ngày. Đề nghị cần phải có những giải pháp kịp thời để đảm bảo sinh kế cho người dân và ứng phó với BĐKH.

 Ông Nguyễn Văn Kiêm
(Chủ tịch xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh)

 

Bài và ảnh: Đức Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN