Tại Hội nghị Huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 do Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hôm qua (6/5), đại diện hai bộ cho biết sẽ tập trung nguồn lực để phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong.
Nguy cơ bùng phát đại dịch
Chủng virút cúm A/H7N9 đang lây lan nhanh chóng. Ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay tại Trung Quốc số ca mắc virút cúm A/H7N9 đã tăng lên từng ngày, phạm vi lây lan rộng tại 10 tỉnh của Trung Quốc. Chỉ trong vòng 2 tháng kể từ ngày 29/3 đến nay, thế giới đã ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 và có 27 trường hợp tử vong.
Theo GS.TS Vũ Sinh Nam, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và bùng phát dịch ở nước ta rất cao. Nguyên nhân, do việc vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu vẫn khó kiểm soát, lượng người qua lại cửa khẩu giữa hai nước rất lớn trong khi cộng đồng chưa có miễn dịch.
TS. Babatunde Olowokure, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, để ngăn ngừa sự bùng phát dịch cúm A/H7N9, cần có sự phối hợp giữa các ngành trong một quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Trong đó, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành y tế và thú y để đảm bảo giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh này.
Sẵn sàng ứng phó
Theo TS. Vũ Sinh Nam, với mục tiêu phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch cúm A/H7N9, Bộ Y tế đã đưa ra 4 tình huống cụ thể để đối phó với cúm A/H7N9 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 115 triệu USD. Trong đó, để đối phó với tình huống 1 (khi chưa có trường hợp bệnh trên người), sẽ phải cần tới trên 17 triệu USD (trong đó, có 7,3 triệu USD từ Chính phủ và gần 9,7 triệu USD huy động từ các tổ chức quốc tế), trong đó nhu cầu cho chẩn đoán và điều trị bệnh là hơn 1,3 triệu USD. Với các tình huống còn lại, đặc biệt khi dịch diễn biến phức tạp dự kiến cần gần 98 triệu USD để đối phó với bệnh dịch.
Về phía Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết Bộ đã tăng cường kiểm soát hoạt động mua bán gia cầm tại khu vực biên giới. Đồng thời Bộ cũng phối hợp với tổ chức FAO (Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc) tại Việt Nam tiến hành xét nghiệm hơn 500 mẫu gia cầm. Tất cả mẫu này đều cho kết quả âm tính với virút cúm A/H7N9.
Bên cạnh đó, một chương trình giám sát đã được triển khai ở các tỉnh miền Bắc nhằm theo dõi virút cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm. Tại 60 chợ đầu mối và chợ gia cầm sống, 18.000 mẫu xét nghiệm cũng sẽ được thu thập từ các loại gia cầm. Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương tại Hà Nội sẽ tiến hành xét nghiệm các mẫu nhằm khẳng định hoặc loại trừ sự xuất hiện của chủng virút cúm A/H7N9. Chương trình sẽ triển khai từ đầu tháng 5 và sẽ mở rộng trong trường hợp cần thiết, cấp bách.
Tiến sĩ Takeshi Kasai, đại diện WHO tại Việt Nam và Tiến sĩ Scott Newman, Điều phối viên kỹ thuật cao cấp của FAO tại Việt Nam khẳng định sẽ tích cực ủng hộ các biện pháp chủ động của chính phủ Việt Nam trong việc đối phó với nguy cơ dịch bệnh mới này. Theo các chuyên gia thế giới, hiện nay vẫn chưa xác định được nguồn bệnh và đường lây truyền, chưa biết liệu có lây từ người sang người không, chưa có vắcxin phòng chống cúm A/H7N9. Vì vậy, việc phát hiện sớm chính là một yêu cầu quan trọng trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh.
Hương Dung