Hơn 10 triệu người vẫn sử dụng nhà vệ sinh thô sơ

Hiện Việt Nam vẫn còn gần 4 triệu người phóng uế bừa bãi và 10,2 triệu người có nhà tiêu hết sức thô sơ. Đặc biệt, tình trạng cầu tiêu ao cá vẫn còn rất phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 


TS Nguyễn Huy Nga, đại diện Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới các hoạt động tuyên truyền, phổ cập về ý thức giữ gìn vệ sinh cũng như cải thiện điều kiện vệ sinh, phòng chống dịch bệnh cho toàn dân. Tuy nhiên hiện nay, khu vực miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn là những nơi có tỷ lệ người dân được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt thấp so với cả nước. 


Chưa kể, phóng uế bừa bãi, sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, thực hành vệ sinh cá nhân kém và thiếu nước sạch ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và điều kiện sống của người dân, nhất là trẻ em. 


Theo báo cáo của Bộ Y tế, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa vẫn còn lưu hành và có diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh tiêu chảy, tay chân miệng, tả, lỵ, thương hàn. 


Vì vậy, mục tiêu đặt ra là đến năm 2015 sẽ có 100% trường tiểu học và phổ thông có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Ngoài ra, Bộ y tế cũng đưa mục tiêu 65% hộ gia đình ở nông thôn sẽ có nhà vệ sinh đạt chuẩn, 45% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh và 100% trạm y tế ở nông thôn có đủ nhà vệ sinh hợp chuẩn. 


Đây là mục tiêu của chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015, do Bộ y tế và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn triển khai. 


Để đạt mục tiêu trên cũng như từng bước thực hiện hóa chiến lược đến năm 2020, ngày 19/11 Bộ Y tế và Quỹ Unilever Việt Nam – nhãn hàng Vim đã tiếp tục ký kết thực hiện “Khung kế hoạch hợp tác chiến lược nâng cao điều kiện vệ sinh tại Việt Nam” thông qua chương trình “Hành trình nhà vệ sinh sạch khuẩn” giai đoạn 5 năm 2014 - 2018.


Khởi động từ năm 2012, đến nay chương trình hợp tác đã đạt nhiều kết quả tốt.


Thống kê của Bộ y tế cho thấy, hàng năm tại khu vực phía Nam có trung bình khoảng 250.000 ca mắc tiêu chảy được báo cáo, trong năm 2014 đã có 2 ca tử vong trẻ em do tiêu chảy. Về bệnh tay chân miệng, tính từ năm 2008 đến nay mỗi năm có khoảng 10.000 đến 80.000 ca mắc trong đó có 48 ca tử vong. 


Chương trình hợp tác này sẽ nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, tập trung cải thiện vệ sinh cộng đồng, đặc biệt là môi trường trường học ở các vùng nông thôn, khi mà khả năng bảo vệ của trẻ em còn chưa cao. Đồng thời, cam kết cải thiện điều kiện vệ sinh cho 10 triệu người Việt Nam, đặc biệt là trẻ em.


Bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non cũng chia sẽ, tiêu chí để chọn các trường xây dựng nhà vệ sinh là những trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, không có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Dự kiến trong năm tới, sẽ tiếp tục mở rộng nhà vệ sinh đạt chuẩn tại 2 tỉnh, mỗi tỉnh khoảng 2.000 nhà vệ sinh, nâng tổng nhà vệ sinh đạt chuẩn cho 8 tỉnh là 16.000 cái. 


“Khung kế hoạch hợp tác chiến lược nâng cao điều kiện vệ sinh tại Việt Nam” khởi động từ năm 2012, đến nay đã tuyên truyền giáo dục, thay đổi hành vi cho hơn 760.000 người về việc xây dựng, sử dụng nhà vệ sinh hợp chuẩn; hơn 400 nhà vệ sinh được sửa chữa trong cam kết xây dựng, cải tạo 800 nhà vệ sinh đến năm 2016. Ngoài ra, khoảng 480.000 người trên cả nước được nâng cao nhận thức về giữ gìn vệ sinh sạch khuẩn để phòng chống dịch.


Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN