Cho tới nay, tôi vẫn nhớ như in gương mặt rắn rỏi, cương nghị và đôi mắt biết nói của ông Nay Y Dấc (thường gọi là Ma Min), dân tộc Ê Đê, ở Buôn Quen, xã Ea Bá, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên trong lần gặp gỡ ngắn ngủi tại Hà Nội khi ông dự Hội nghị Thi đua yêu nước Hội Nông dân Việt Nam. Dịp ấy ông bảo, kinh tế gia đình ông phát triển được như hôm nay là nhờ vào chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước và đặc biệt là sự giúp đỡ hiệu quả của Hội Nông dân Buôn Quen.
Bồi dưỡng kiến thức về sản xuất, chăn nuôi cho hội viên Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông. |
Y Dấc kể: “Trước kia, nhà tui chẳng có gì đáng giá. Kinh tế gia đình chỉ trông vào mấy mảnh rẫy trồng lúa, mè… cái đói, cái nghèo quanh năm đeo bám, chạy ăn từng bữa. Được sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông, cán bộ Hội Nông dân và cán bộ Nông trường Cà phê Ea Bá, gia đình tui đã chuyển từ trồng cây lúa rẫy, cây mè, cây đậu đỏ phụ thuộc vào thời tiết, hiệu quả lại thấp sang trồng cà phê, cao su cho thu nhập cao kết hợp với chăn nuôi bò”.
Ban đầu Y Dấc cũng chưa biết gì về cách trồng, chăm sóc, bón phân, làm cỏ… cây cà phê, nhưng sau khi được theo học các lớp tập huấn kỹ thuật, ông đã dần hiểu và làm theo. Ngoài 5 ha cây cao su, gia đình ông còn trồng thêm 1 ha cà phê, 2 ha sắn, 4 sào ruộng lúa nước; nuôi 60 con bò, heo và 30 con gà. Tổng thu nhập của gia đình ông (sau khi trừ chi phí) đạt trên 90 triệu đồng/năm.
Nhờ phát triển kinh tế hộ, gia đình ông trở lên khá giả, có cái ăn, có cái mặc. Không chỉ quan tâm làm giàu cho riêng mình, ông Y Dấc đã giúp 4 hộ vượt nghèo bằng cách cho mượn đất trồng trọt, cho mượn cây, con giống. Hàng năm, gia đình ông còn tạo việc làm cho hàng chục lao động, nhất là bà con dân tộc thiểu số, ngoài ra gia đình ông còn tham gia đóng góp công tác xã hội do xã phát động như: Ủng hộ quỹ vì người nghèo, ủng hộ trẻ em khuyết tật…
Cũng là một tấm gương điển hình về nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông Hoàng Văn Hiệu, dân tộc Tày, là hội viên nông dân xóm Pác Hoang, xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cho biết, hưởng ứng các phong trào thi đua do Hội Nông dân các cấp phát động, gia đình ông đã tích cực tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình.
Từ năm 2005 đến nay, gia đình ông đã kết hợp trồng ngô lai có năng suất cao với chăn nuôi lợn, mở rộng mô hình chăn nuôi với chuồng trại thoáng mát, có vòi nước tự động, xây hầm biôga để giải quyết được vệ sinh môi trường, tạo thêm chất đốt để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra ông còn tham gia thu mua các mặt hàng nông sản, mở cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại địa phương… Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu nhập được hơn 300 triệu đồng.
Có được những hội viên nông dân tiêu biểu như Y Dấc, Hoàng Văn Hiệu, bên cạnh những chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, phải kể đến nỗ lực không mệt mỏi của các cấp Hội Nông dân từ cơ sở đến Trung ương. Trong những năm qua, các tỉnh, thành Hội ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã thành lập được 26.758 tổ vay vốn, giúp 594. 631 lượt hộ vay với doanh số trên 9.000 tỷ đồng. Chương trình Quốc gia giải quyết việc làm với số dư 637,8 tỷ đồng đã giúp cho các hộ nông dân vay vốn giải quyết việc làm cho 15.786 lao động, xây dựng trên 80.000 mô hình trình diễn kỹ thuật về khuyến nông, khuyến lâm. Cùng với đó là trên 40.000 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật…
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: Trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, như phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới… góp phần to lớn vào công tác xóa đói, giảm nghèo; phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống nông dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.
Trong những năm tiếp theo, các cấp Hội tiếp tục thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 07/NQ-HND về “Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội nông thôn vùng dân tộc và miền núi khó khăn giai đoạn 2011-2015”; đồng thời đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tập trung nguồn lực, hướng về cơ sở, tích cực chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nông dân…
Bài và ảnh: Trường Giang