Loạt bài “Nâng cao hiệu quả nhà văn hóa dân tộc” đăng trên báo Tin Tức (số ra ngày 13-15/6/2013) tiếp tục nhận được những ý kiến phản hồi của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa trung ương và địa phương về những giải pháp để phát huy tốt hơn nữa hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa cộng đồng. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ văn hóa dân tộc (Bộ VH, TT&DL): Khó là do con người!
Thực tế cho thấy, nhu cầu sinh hoạt văn hóa xã hội của đồng bào rất cao, nhưng khó là do con người. Hiện nay, những cán bộ văn hóa cơ sở mới chỉ đến cấp xã, và cả xã cũng chỉ có một chức danh là “phụ trách công tác văn hóa xã hội”, còn ở cấp thôn bản không có cán bộ phụ trách. Việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng chủ yếu phụ thuộc vào sự năng động, chủ động của người dân, ở đây thường là những người có uy tín trong cộng đồng như trưởng bản, già làng… Nếu chúng ta có một cán bộ được hưởng phụ cấp (dù là ít thôi) chuyên trách cho công việc đó, thì hoạt động của nhà văn hóa mới thường xuyên và có hiệu quả. Còn hiện tại, đồng bào cấp thôn bản chỉ mới sinh hoạt vào những dịp nông nhàn, lễ hội, những khi cộng đồng có công việc.
Nhà văn hóa xóm Thang Lầy, xã Bình Long, huyện Hòa An, Cao Bằng. Ảnh: baocaobang |
Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa thôn, bản, hàng năm, thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Vụ Văn hóa dân tộc thường tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cấp xã đặc biệt khó khăn. Khi tổ chức các lớp học, Vụ phối hợp cùng với địa phương chọn nội dung phù hợp để tập huấn cho các cán bộ văn hóa xã kỹ năng tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng… Việc đào tạo được tiến hành theo từng năm, trung bình 1 năm khoảng 5-7 lớp ở 5-7 tỉnh khác nhau.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, Nguyên Giám đốc bảo tàng dân tộc học Việt Nam: Văn hóa xuất phát từ nhu cầu của đồng bào
Chương trình phát triển nhà văn hóa thôn, bản ở vùng đồng bào dân tộc là chủ trương đúng. Tuy nhiên, từ trước đến nay hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa chưa cao, do các mô hình nhà văn hóa thường áp đặt, xây không phù hợp với nhu cầu, tín ngưỡng của đồng bào. Văn hóa xuất phát từ nhu cầu của đồng bào, nhưng nhiều khi ta lại làm thoát ra khỏi nhu cầu của đồng bào. Đến khi xây xong rồi, có được một thiết chế văn hóa rồi thì không có nội dung, hoạt động không hiệu quả. Tôi đi nhiều nơi ở Tây Nguyên, thấy nhiều nhà văn hóa ít sử dụng. Việc Nhà nước bỏ ra nhiều tiền làm nhà Rông cho đồng bào Tây Nguyên, nhưng hoạt động không hiệu quả là một thách thức không nhỏ.
Thực tế nhiều nơi thôn, bản có nhà văn hóa, có thư viện, có các chương trình học… tuy nhiên, các hoạt động này vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Làm sao phải quy tụ được các hoạt động này về một mối… và quan trọng là phải xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng. Tôi thấy, hiện mong muốn của các nhà quản lý vẫn chưa thực tế. Nhiều nhà văn hóa Tây Nguyên được phát những bộ cồng chiêng, với mong muốn các nhà văn hóa phát triển cồng chiêng. Nhưng thực tế không phải lúc nào bà con cũng đánh cồng chiêng, thậm chí có nơi già làng cất vào trong kho, năm mang ra đánh 1-2 lần.
Để nhà văn hóa phát huy hiệu quả, các nhà quản lý cần phải đến tận nơi bàn với bà con, tìm ra một mô hình phù hợp, một cách thức hoạt động riêng thích hợp với từng địa phương, vùng miền. Không nên có một công thức chung, mỗi thôn bản có điều kiện khác nhau, nhu cầu khác nhau. Tây Nguyên khác, Tây Bắc khác, mỗi nơi khác... vấn đề là phụ thuộc vào nhu cầu của người dân và cần có chiến lược phát triển lâu dài.
TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH, TT&DL Lào Cai: Phải đa dạng hóa hoạt động của nhà văn hóa cộng đồng
Hiện tại, các nhà văn hóa ở tỉnh Lào Cai hoạt động hiệu quả bởi Lào Cai có cách làm riêng. Nhà văn hóa cộng đồng thôn, bản ở Lào Cai được tổ chức với các hoạt động đa dạng văn hóa, không chỉ bó hẹp trong hoạt động văn nghệ. Cụ thể, tất cả các hoạt động văn hóa theo nghĩa rộng như chương trình khuyến học, tổ chức các lớp tập huấn của xã, các lớp xóa mù chữ, các đợt tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, khám sức khỏe cho dân, rồi chiếu bóng lưu động, họp dân… đều được đưa ra nhà văn hóa cộng đồng. Nó như là trụ sở thôn, thậm chí có nơi do lớp phổ cập mầm non chưa có nhà, bà con có ý kiến đề nghị cho mượn… tất cả các hoạt động được lồng ghép đưa vào, để nhà văn hóa như một nhà sử dụng đa năng, nhiều ngành quan tâm, ủng hộ nên nhà văn hóa ở Lào Cai hoạt động tốt và rất cần thiết.
Có được kết quả như vậy là từ năm 2009, tỉnh Lào Cai đã có văn bản giao chỉ đạo, sau đó được cụ thể hóa đến từng địa phương. Hệ thống các nhà văn hóa thôn, bản được giao cho trưởng thôn. Trưởng thôn là người được hưởng phụ cấp, có nhiệm vụ tổ chức cho các hoạt động thường xuyên. Sắp tới, Hội đồng nhân dân sẽ thông qua chính sách cho giáo dục cộng đồng, sẽ có một suất phụ cấp lương cho một suất phó ban về quản lý văn hóa (trưởng ban thường là lãnh đạo xã, đã có lương nên chỉ hỗ trợ phó ban). Mức phụ cấp có thể ít thôi, nhưng khi hưởng lương, sẽ gắn với trách nhiệm của cán bộ. Tôi cho rằng, cách làm đa dạng hóa này là một mô hình tốt, cách làm tốt mà các địa phương khác nên học tập kinh nghiệm.
Phương Lan (ghi)