Hoàng Thiên giữa hai dòng nước

Con đường phấn đấu trở thành VĐV quần vợt chuyên nghiệp của Nguyễn Hoàng Thiên đang trắc trở, sau khi anh chững lại về phong độ trong khoảng 2 năm qua.

Hoàng Thiên đang chững lại về phong độ trong thời gian gần đây.

Khép lại trận chung kết đơn nam giải quần vợt vô địch quốc gia 2013 giữa tháng 10 vừa qua, mọi sự tập trung đều đổ dồn vào Lý Hoàng Nam. Tay vợt 16 tuổi của Becamex Bình Dương hoàn toàn xứng đáng với những lời ngợi khen, bởi anh đã khẳng định bước tiến “thần tốc” của mình chỉ trong vòng một năm qua: Ngoài việc bảo vệ thành công ngôi vô địch quốc gia, Hoàng Nam còn xuất sắc giành Huy chương Vàng đơn nam tại Đại hội thể thao trẻ châu Á 2013. Ở chiều ngược lại, bại tướng Nguyễn Hoàng Thiên không giấu nổi nỗi buồn, nét mặt đầy suy tư, dù anh vẫn nán lại sân để chụp ảnh lưu niệm với các đồng nghiệp và người hâm mộ.


Gần đây, nhiều chuyên gia nhận định rằng Hoàng Thiên đang chững lại về chuyên môn. Điều đó là có cơ sở, khi Hoàng Thiên thi đấu không thành công ở nhiều giải trẻ quốc tế mà anh tham dự. Theo thống kê của Liên đoàn Quần vợt quốc tế (ITF), trong năm 2012, Hoàng Thiên tham dự 20 giải trẻ quốc tế, nhưng chỉ thắng 1 trận trong 3 giải nhóm A và thua ngay ở vòng đầu tiên ở cả 7 giải nhóm 1. Ở các giải cấp thấp hơn, Hoàng Thiên cũng không thể một lần đăng quang. Đến đầu năm 2013, Hoàng Thiên chính thức bị “đàn em” Hoàng Nam qua mặt trên bảng xếp hạng trẻ ITF.


Nếu so sánh với thời điểm Hoàng Thiên liên tục được nhắc đến như một hiện tượng của không chỉ quần vợt Việt Nam mà cả châu lục, khi cậu bé người TP Hồ Chí Minh vô địch U14 châu Á, vô địch U14 Bahrain, vô địch U14 Ấn Độ... thì rõ ràng Hoàng Thiên đang giậm chân tại chỗ ở tuổi 18 và khi đang đứng trước ngưỡng cửa quần vợt chuyên nghiệp.


Xem cái cách Hoàng Thiên thi đấu với Hoàng Nam trong trận chung kết giải vô địch quốc gia mới đây, có thể thấy rõ những hạn chế của Hoàng Thiên như giới chuyên môn đã chỉ ra. Thứ nhất, tâm lý của Hoàng Thiên thiếu ổn định. Nhiều pha bóng Hoàng Thiên đánh hỏng là do nôn nóng, hoặc ham đánh ngay trong những pha trả bóng khó của đối phương. Thứ hai, Hoàng Thiên đánh bóng tốn nhiều sức, bởi đường banh nào cũng đầy tính quyết liệt. Cách đánh này khiến anh bị đuối sức khi trận đấu qua khoảng hơn một giờ đồng hồ. Sau cùng, cú rờ - ve (trái tay) chỉ bằng một tay - “thương hiệu” riêng của Hoàng Thiên - cũng không có sự ổn định về lực, để đối phương nắm được và khoét vào.


Hoàng Nam không hơn Hoàng Thiên về kỹ thuật, lại càng ít hơn về kinh nghiệm cọ xát quốc tế, nhưng sự ổn định cả về lối chơi lẫn tâm lý đã giúp tay vợt của Becamex Bình Dương khuất phục được đối thủ đúng như dự báo, với tỷ số các séc là 6 - 2, 5 - 7, 6 - 3.


Để tuột ngôi vô địch quốc gia 2013 về tay Hoàng Nam là một nỗi thất vọng lớn đối với Hoàng Thiên, bởi anh đã đặt quyết tâm rất cao vào giải đấu này, sau khi đã cùng đội TP Hồ Chí Minh 1 bảo vệ thành công danh hiệu vô địch đồng đội nam toàn quốc, cũng như cùng đội tuyển quần vợt nam Việt Nam giành quyền thăng hạng nhóm 2 Davis Cup khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hơn thế, năm 2013 còn được xem là năm bản lề đối với sự nghiệp quần vợt của Hoàng Thiên: Hoặc đi theo con đường chuyên nghiệp, hoặc có thể chuyển hướng học văn hóa nếu không có sự tiến bộ về chuyên môn.


Dốc không biết bao nhiêu tiền của cho con trai trong suốt gần 8 năm qua, nhưng Hoàng Thiên bây giờ lại không thể thắng một Hoàng Nam mới chỉ được đầu tư khoảng 1 năm trở lại đây, đó thực sự là một nỗi thất vọng lớn đối với gia đình Hoàng Thiên.


Mặc dù đang ngày một bị Hoàng Nam bỏ lại đằng sau, nhưng Hoàng Thiên cũng có thể tự hào khi... nhìn xuống cũng không nhiều người bằng mình. Những tài năng như Hoàng Thiên hay Hoàng Nam không phải lúc nào cũng xuất hiện. Lý do là các tay vợt Việt Nam hiện nhận được ít sự đầu tư từ Nhà nước để tiến lên chuyên nghiệp, mà chủ yếu vẫn phải dựa vào nguồn lực gia đình, hoặc may mắn như Hoàng Nam thì được một doanh nghiệp đỡ đầu.


Tại giải vô địch quốc gia vừa qua, Hoàng Thiên đã vượt qua nhưng tay vợt mạnh như Lê Quốc Khánh, Phạm Minh Tuấn. Đặc biệt, những cú đánh uy lực căng sát mặt lưới, những pha bỏ nhỏ đẹp mắt của anh luôn đem đến sự phấn khích lớn cho người hâm mộ. Dù Hoàng Thiên thua trong trận chung kết, nhưng đó là trong tư thế ngẩng cao đầu.


Ở tuổi 18, hy vọng mọi thứ mới chỉ ở điểm bắt đầu đối với Hoàng Thiên.

Nhằm tập trung phát triển sự nghiệp quần vợt cho Hoàng Thiên, gia đình anh đã phải đầu tư nhiều công sức và rất nhiều tiền. Hoàng Thiên được gán biệt danh “tay vợt triệu đô”, do mỗi năm, gia đình đã chi hàng trăm nghìn USD vào việc theo học và tham dự các giải đấu của anh ở nước ngoài. Từ năm 10 tuổi, việc học văn hóa của Hoàng Thiên đã phải tạm gác lại, để cậu bé được gửi sang ăn học quần vợt tại Mỹ.


Bảo An

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN