Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Giàng A Tính cho biết, Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới, có 4/8 huyện, thành phố là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; trong đó có 696 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2012 - 2018, tỉnh và các huyện, thành phố đã ban hành các nghị quyết, chương trình về giảm nghèo và chỉ đạo thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đến đối tượng thụ hưởng được quan tâm chỉ đạo, thực hiện đa dạng về nội dung, hình thức... Qua đó giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo.
Trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện, bên cạnh thành lập hệ thống bộ máy điều hành các giai đoạn 2012 - 2015, 2016 - 2020, việc áp dụng cơ chế đặc thù được UBND tỉnh Lai Châu triển khai theo đúng quy định. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức đoàn thể huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho công tác giảm nghèo, đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo để tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân.
Cùng với các nguồn lực của Trung ương và tỉnh, hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lai Châu đã phát động các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” để thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo. Giai đoạn 2012 - 2018, đã huy động được trên 31,5 tỷ đồng.
Thông qua các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực dân tộc thiểu số, miền núi; hỗ trợ sản xuất, giáo dục đào tạo và dạy nghề, nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài...
Giai đoạn 2012 - 2015 đã có 6 huyện nghèo được đầu tư, hỗ trợ xây dựng 231 công trình đường giao thông, thủy lợi, trường lớp học, lưới điện…; hỗ trợ giao khoán chăm sóc, bảo vệ gần 166.000 ha rừng; nhân rộng 9 mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn các huyện nghèo; mở 33 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 1.440 lượt cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo...
Giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh đã đầu tư mới 62 công trình, duy tu bảo dưỡng 56 công trình đường giao thông nông thôn, thủy lợi, trường lớp học… thuộc các huyện nghèo; hỗ trợ khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng cho gần 119.000 hộ; hỗ trợ khai hoang tạo nương rẫy cố định 170 hộ; hỗ trợ 167 dự án phát triển sản xuất… Qua đó, từng bước giải quyết nhu cầu của người dân; tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
Năm 2018, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,22%; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người ước đạt 32,92 triệu đồng. Số hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2018 là 24.195 hộ, chiếm 24,98% tổng số hộ trên địa bàn (so với đầu năm 2018 giảm 4,85%; bình quân các huyện nghèo giảm 5,55%). Đến nay, toàn tỉnh có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 13,67 tiêu chí/xã, tăng 0,89 tiêu chí/xã so với cuối năm 2017. Trong năm 2018, hai huyện là Tân Uyên và Than Uyên được công nhận ra khỏi huyện nghèo của cả nước.
Là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo chính là nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các tổ chức đoàn thể huyện Nậm Nhùn.
Ông Hà Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, ngay từ đầu năm, huyện Nậm Nhùn đã ban hành kế hoạch giảm nghèo, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chuyên môn... Nhờ đó, năm 2018, toàn huyện có gần 500 hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm nghèo cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra (5,5%/năm). Người nghèo được hỗ trợ cải thiện về điều kiện sống, tiếp cận các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng trong phát triển kinh tế. Các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt… được đáp ứng. Đặc biệt là ý thức của họ được nâng lên, họ hiểu được trách nhiệm của mình và chủ động vươn lên thoát nghèo...
Trong thời gian tới, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao hơn, tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp về nhận thức, thể chế, chính sách, công tác tổ chức thực hiện và nguồn lực; xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo tiếp cận và tham gia; hỗ trợ các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao, quảng bá, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm...