Năm nay, 7 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên được chọn làm thí điểm xây dựng chòi tránh lũ cho hộ nghèo. Nguồn vốn vay hỗ trợ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã mang lại hiệu quả.
Xã hội hóa xây dựng chòi tránh lũ
Về các địa bàn vùng lũ thuộc các xã An Định (huyện Tuy An), Xuân Sơn Nam (huyện miền núi Đồng Xuân) của tỉnh Phú Yên, chúng tôi thật sự bất ngờ khi tận mắt chứng kiến các chòi tránh lũ được người dân xây dựng khá khang trang. Chòi nào cũng hai tầng: một tầng trệt, một tầng lầu với diện tích sàn vượt lũ từ 12 m2 trở lên.
Nhà tránh lũ của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Quế (xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Ảnh: Thế Lập - TTXVN |
Chòi tránh lũ của hộ bà Võ Thị Bạch Tuyết (70 tuổi) ở thôn Định Trung 3, xã An Định có diện tích xây dựng khoảng 22 m2, trong đó diện tích sàn vượt lũ 12 m2 được xây dựng liền kề với ngôi nhà cũ còn in chớm nước lũ ngập cao 1,8 m năm 2009 cho dù nền nhà có cao hơn mặt đường gần 3 m. Bác Tuyết nói: “Nhờ Nhà nước hỗ trợ, được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH và con cháu tôi giúp đỡ hơn 7 triệu đồng để làm nhà. Trước kia tôi chỉ mong sao mùa mưa lũ đến, nhà không bị ngập chứ không dám mơ có một căn nhà như thế này”.
Tương tự, chòi tránh lũ của hộ bác Nguyễn Thị Quế (88 tuổi) cũng ở thôn Định Trung 3 có diện tích xây dựng lên đến 32 m2, trong đó diện tích sàn vượt lũ khoảng 18 m2 với tổng kinh phí xây dựng hơn 60 triệu đồng. Bác Quế phấn khởi nói: “Trước đây năm nào gia đình cũng phải đi chạy lũ, ở tạm nhà người khác. Nay được Nhà nước giúp đỡ xây dựng được nhà tránh lũ như thế này, tôi biết ơn nhiều lắm”.
Hai chòi tránh lũ nói trên nằm trong số 10 chòi tránh lũ của thôn Định Trung 3, xã An Định được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt xây dựng theo Quyết định số 716 ngày 14/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ lụt vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Văn bản của Chính phủ gọi là chòi nhưng trên thực tế ở Phú Yên gọi là nhà cũng được vì đều xây dựng 2 tầng bằng bê tông, cốt thép, mái lợp ngói hoặc tôn và diện tích sàn vượt lũ ở tầng lầu ít nhất cũng có diện tích 12 m2, vượt so với quy định tối thiểu là 10 m2. Với diện tích sàn vượt lũ như trên, đủ để cho ít nhất 6 người ở tạm cùng lúa gạo và bảo quản những tài sản cần thiết khi nước lũ dâng.
Cũng như huyện Tuy An, huyện Đồng Xuân được phân bổ xây dựng 50 chòi tránh lũ ở hai xã Xuân Sơn Nam và Xuân Sơn Bắc với tổng kinh phí gần 3,6 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 50%, còn lại Chính phủ hỗ trợ mỗi nhà 10 triệu đồng, Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh hỗ trợ 8 triệu đồng, vốn vay ưu đãi từ NHCSXH 10 triệu đồng với lãi suất 3%/năm trong vòng 10 năm và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ 8 triệu đồng.
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Xuân, những hộ được hỗ trợ xây chòi tránh lũ đều đóng góp thêm từ 15 đến 60 triệu đồng để xây nhà theo hình thức xây mới với nhà liền kề hoặc mở rộng, nâng cấp nhà ở hiện có hoặc đập bỏ nhà ở tạm bợ để xây mới.
Hiệu quả từ một chủ trương đúng
Tỉnh Phú Yên có 4 xã đã hoàn thành xây dựng tổng cộng 100 nhà tránh lũ gồm: xã Xuân Sơn Bắc 44 nhà, xã Xuân Sơn Nam 6 nhà, xã An Định 10 nhà và xã An Dân 40 nhà.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất cho biết, sau khi Chính phủ có chủ trương xây dựng chòi tránh lũ, tỉnh triển khai thực hiện ngay và được người dân cũng như chính quyền các địa phương đồng tình ủng hộ vì quá thiết thực với người dân vùng lũ. Trong quá trình triển khai, các cấp chính quyền xác định đây là nhà ở thực sự của dân chứ không chỉ là chòi. Vì vậy trên cơ sở thiết kế chòi tránh lũ; mỗi gia đình đều vận dụng sáng tạo như xây liền kề với nhà cũ hoặc cải tạo nhà cũ để tận dụng triệt để không gian, diện tích hoặc đập bỏ nhà tạm bợ nên không chỉ phục vụ chống lũ mà còn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Anh Phan Văn Bảy, Trưởng thôn Định Trung 3 cho biết: “Nếu không có chòi tránh lũ thì phải tập trung điểm di dời hoặc vận động bà con đến ở tạm nhà người khác nên rất khó khăn. Có chòi tránh lũ này bà con sẽ chủ động nơi ở do được xây dựng cao hơn mức lũ cao nhất trong 5 năm gần đây. Thứ hai nữa là bà con yên tâm trong sản xuất vì không phải di dời đi nơi khác”.
Thôn Định Trung 3 có 126 hộ, trong đó có 19 hộ nghèo. Trận lũ lịch sử năm 2009 đã làm cho 100% nhà ở đều bị ngập từ 1 đến 3 mét. Trưởng thôn Phan Văn Bảy cho biết thêm, vào mùa mưa khi có lũ thì 70% nhà ở của dân bị ngập, trong đó có khoảng 25 nhà nằm ở vùng trũng sát bờ sông Cái bị ngập thường xuyên nên về lâu dài bà con rất cần sự hỗ trợ của Chương trình xây dựng chòi tránh lũ của Chính phủ.
Bài và ảnh: Thế Lập