Hiệu quả nuôi cá lồng bè của đồng bào Kor, Quảng Ngãi

Tận dụng lợi thế diện tích mặt nước hồ chứa nước Nước Trong rộng lớn, từ năm 2015 đến nay, UBND huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ, khuyến khích nhiều hộ dân xã Trà Xinh (huyện Tây Trà) nuôi cá lồng bè. Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Kor nơi đây.

Lồng bè nuôi cá tại xã Trà Xinh.

Gia đình anh Hồ Văn Hoa, thôn Trà Kem, xã Trà Xinh là một trong những hộ được hỗ trợ nuôi cá lồng bè tại hồ chứa nước Nước Trong. Anh Hoa được chính quyền hỗ trợ kinh phí làm lồng bè, cá giống, thức ăn. Một bè có khoảng 4 - 6 lồng nuôi cá, lồng được làm bằng sắt hoặc gỗ, bè có kinh phí từ 80 - 100 triệu đồng. Mỗi lồng thả nuôi khoảng từ 2.500 - 3.500 con cá tùy loại.

Gia đình anh Hoa hiện có 4 lồng nuôi với 2 loại cá trê và diêu hồng, khoảng 12.000 con cá giống. Sau 3 tháng nuôi, hiện nay, cá trê có trọng lượng trung bình đạt 0,6kg/con; cá diêu hồng khoảng 0,4kg/con.  Bình quân một năm, anh Hoa thu hoạch 2 đợt cá thịt, với giá từ 60.000 -70.000 đồng/kg, anh đã thu về hàng trăm triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi lồng cá anh thu lãi từ 20-30 triệu đồng.

Anh Hoa chia sẻ: Trước đây, anh chỉ trồng lúa, keo, quế… Khi được chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí để nuôi cá lồng bè, anh mạnh dạn thử sức. Qua 2 năm nuôi cá, hiệu quả kinh tế mang lại đã giúp gia đình anh ổn định cuộc sống.

Mô hình nuôi cá lồng bè ở hồ chứa nước Nước Trong bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, thu hút nhiều hộ dân tự làm lồng bè nuôi cá. Đến tháng 5/2018, toàn xã có 11 bè với hơn 40 lồng. Các hộ nuôi đều được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên tỷ lệ cá sống cao.

Anh Nguyễn Tiến, cán bộ địa chính xây dựng nông nghiệp xã Trà Xinh cho biết: Trước khi triển khai mô hình này, xã đã chọn những gia đình từng đánh bắt cá tại lòng hồ, có kinh nghiệm sông nước để thử nghiệm. Khi bắt đầu thả nuôi, tuần đầu tiên, cán bộ và người nuôi cá phải túc trực thường xuyên tại bè cá để kiểm tra dịch bệnh, giúp cá thích hợp với môi trường mới. Sau đó, người dân làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Nhận thấy mô hình nuôi cá lồng bè tại hồ chứa nước Nước Trong đang phát huy hiệu quả, chính quyền địa phương tiếp tục khuyến khích người dân trên địa bàn nhân rộng mô hình, đồng thời tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Trà Huỳnh Thị Thanh Thúy cho biết: Khi thấy hiệu quả của mô hình nuôi cá lồng bè, chính quyền đã vận động người dân mở rộng diện tích nuôi cá. Tuy nhiên, để đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định, địa phương khuyến khích bà con nuôi nhiều đợt, không tập trung thả nuôi cùng lúc để luôn có cá bán cho người tiêu dùng.

Địa phương cũng đang liên hệ với các nhà hàng, công ty nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chăn nuôi. Mô hình nuôi cá lồng bè này đã mở thêm hướng đi mới trong sản xuất chăn nuôi, góp phần cải thiện đời sống, hướng đến giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh: Đinh Thị Hương (TTXVN)
Phê duyệt danh sách các huyện nghèo, thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020
Phê duyệt danh sách các huyện nghèo, thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN