Fine Gael, đảng đối lập lớn nhất tại Ailen, đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn diễn ra hôm 25/2. Song, ở chính thời điểm được coi là “vinh quang” này, không ai dám khẳng định Fine Gael có thể vươn lên nhờ hào quang chiến thắng hay không khi “di sản” của người tiền nhiệm – đảng Fiana Fail, cầm quyền trong suốt 14 năm tại Ailen – đang được coi là những khó khăn quá lớn.
Khó khăn từ người tiền nhiệm
Đúng như dự báo, người đứng đầu đảng Fiana Fail cầm quyền đã không thể khôi phục được niềm tin của người dân cũng như thuyết phục những “tín đồ” này ủng hộ trong cuộc bầu cử quốc hội. Kết quả cuộc bỏ phiếu (đảng Fine Gael giành 38% số phiếu ủng hộ - chiếm 70 ghế trong Quốc hội 166 ghế; đảng Lao động giành được 19,4% - 36 ghế.
Trong khi đảng Fianna Fail cầm quyền chỉ giành được hơn 17% số phiếu ủng hộ - khoảng 18 ghế) cho thấy uy tín của chính đảng đứng ở vị thế cầm quyền 61 trong tổng số 79 năm kể từ khi thành lập năm 1932 - đã hoàn toàn sụp đổ. Thủ tướng Brian Cowen, đồng thời là Chủ tịch đảng Fianna Fail, sau hơn 2 năm điều hành đất nước cũng bị “hạ bệ” sau khi nền kinh tế Ailen rơi vào tình trạng suy thoái chưa từng có.
Chủ tịch đảng Fine Gael, ông Enda Kenny, ăn mừng thắng lợi sau khi kết quả cuộc bầu cử hôm 25/2 được công bố. |
Cử tri Ailen cho rằng ông Cowen là người phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì đã xảy ra tại đảo quốc từng được mệnh danh là “Con hổ vùng Celtic” này.
Chỉ trong vòng 3 năm, từ chỗ tốc độ tăng trưởng kinh tế vững mạnh dựa trên chính sách thuế doanh nghiệp ưu đãi nhất châu Âu, nay Ailen đã rơi vào sóng gió khủng hoảng của thị trường bất động sản, các ngân hàng và hệ thống tài chính công luôn trong tình thế cạn tiền bởi dư nợ quá lớn. Theo tính toán của IMF, cứ 5 tỷ euro được chi tiêu hiện nay thì Ailen phải vay mượn 2 tỷ euro.
Những xáo trộn trên chính trường Ailen càng được đẩy lên cao khi Quốc hội thông qua chương trình dự thảo ngân sách để được giải ngân gói cứu trợ trị giá 85 tỷ euro của EU và IMF. Theo chương trình được gọi là “Kế hoạch khôi phục quốc gia” do Fianna Fail đề xuất này, Ailen phải tiết kiệm khoảng 6 tỷ euro trong năm 2011 và 15 tỷ euro trong vòng 4 năm tiếp theo mới có thể tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ cấp quốc gia
Để đáp ứng “nhiệm vụ” tăng nguồn thu ngân sách nhằm vực dậy ngành ngân hàng, chính phủ dự kiến cắt giảm hàng nghìn việc làm trong khu vực công, thực hiện lộ trình tăng thuế giá trị gia tăng từ 21% lên 23% từ nay đến năm 2014 và cắt giảm trợ cấp xã hội kể từ năm 2014.
Theo các nhà phân tích, cho dù các kế hoạch ngân sách này có thành công đến mấy cũng dường như đã quá muộn để Fianna Fail có thể trụ lại trong vai trò cầm quyền tại đất nước này. Người dân đã quá mệt mỏi khi sống mãi trong cảnh phải nghe những lời “hứa suông”, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục (14%), lạm phát tăng chóng mặt trong khi lương và hệ thống phúc lợi bị cắt giảm. Thâm hụt tài chính công lên tới 32% GDP, cùng với “núi” nợ công cao chưa từng có: 155 tỷ euro.
Cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn không chỉ được xem là lời kết cho nhiệm kỳ đầy tai tiếng của Thủ tướng Brain Cowen, bi kịch của Fianna Fail đã đặt dấu mốc lần đầu tiên một chính phủ trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sụp đổ vì khủng hoảng nợ công. Chưa hết, đây cũng được xem là lời cảnh báo tới các chính phủ khác trong khu vực về khả năng điều hành kinh tế cũng như việc tạo dựng lòng tin đối với người dân trong nước.
Thách thức người kế nhiệm
Chủ tịch đảng Fine Gael, ông Enda Kenny, người chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng mới của Ailen sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua, đã nhanh chóng bắt tay vào các cuộc đàm phán thành lập chính phủ với cam kết thương lượng lại thỏa thuận cứu trợ chung của EU và IMF, vấn đề từng gây bức xúc cho cử tri Ailen trong nhiều tháng qua. Đàm phán với đảng Lao động (đảng về thứ hai trong cuộc bầu cử) và một số đối tác độc lập nhằm kiện toàn “một bộ máy kiểu mới”, "mạnh và ổn định" để điều hành đất nước là những ưu tiên trong kế hoạch hành động đầu tiên của nhà lãnh đạo 59 tuổi này.
Ông Cowen thất thế và đảng Fianna Fail sụp đổ chính là do chính phủ Ailen chấp nhận cứu trợ tài chính từ EU và IMF để thoát khỏi khủng hoảng như phương sách cuối cùng. Người dân Ailen không chấp nhận gói cứu trợ từ bên ngoài với nhiều điều kiện ràng buộc này, cho rằng đây là sự “sỉ nhục” quốc thể, làm tổn hại đến chủ quyền và sa sút đẳng cấp.
Trong mắt người dân, từ khi gia nhập EU từ năm 1973 đến nay, Ailen phát triển năng động và nhanh chóng đến mức được coi là mẫu mực về thành công trong khối. Vậy mà bây giờ lại có thể phá sản nếu không “cầu cứu” EU và IMF. Trong nhiều năm qua, Fianna Fail gắn liền với sự hưng thịnh của nền Cộng hòa Ailen. Còn giờ đây, thật chua xót trước cảnh cử tri Ailen “đưa tiễn” đảng này rời khỏi sân khấu chính trị.
Trở lại thực tại, đảng Fine Gael đánh bại Fianna Fail trong cuộc tổng tuyển cử tại Ailen vừa qua, song chính đảng này sẽ vẫn phải giải quyết những vấn đề cũ và không có gì đảm bảo những vấn đề này sẽ được giải quyết theo mong đợi của cử tri khi nền kinh tế Ailen đang trong tình trạng dự trữ ngoại tệ cạn kiệt, “đất diễn chính trị” bị co hẹp do sức ép từ các điều kiện vay nợ ngặt nghèo. Không chỉ ông Brian Cowen, mà bất cứ ai thay thế ông cũng sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn.
Phương Hoa