Theo các tài liệu tòa án mà hãng tin Reteurs tiết lộ ngày 9/6, thương hiệu xa xỉ Chanel đã loại bỏ bột talc khỏi sản phẩm phấn phủ mặt và bỏ hẳn một sản phẩm phấn dùng cho cơ thể do những quan điểm tiêu cực về loại bột này. Hãng Revlon Inc cũng loại bỏ bột talc khỏi các sản phẩm dùng cho cơ thể, trong khi L’Oreal đang xem xét các lựa chọn thay thế loại bột này trong các sản phẩm của hãng. Các hãng mỹ phẩm khác cũng ngừng bán các sản phẩm phấn có chứa bột talc.
Từ năm 2018, hãng Beiersdorf của Đức cũng đã chuyển sang sử dụng bột ngô thay thế cho bột talc trong sản phẩm phấn trẻ em. Hãng cũng đã đổi công thức sản phẩm phấn Shower to Shower của mình để “phù hợp với xu hướng thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng” chứ không phải vì những lo ngại về an toàn sức khỏe cho người dùng.
Việc các hãng ngừng sử dụng bột talc trong các mặt hàng mỹ phẩm diễn ra trong bối cảnh người tiêu dùng, các cơ quan quản lý và các nhà sản xuất đang đánh giá lại tác động của bột talc trong mỹ phẩm và các sản phẩm dùng cho cơ thể. Bột talc dưới dạng đá tự nhiên có chứa a-mi-ăng, là chất có khả năng gây ung thư. Loại bột này được sử dụng trong hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm như phấn rôm trẻ em, phấn phủ cơ thể và mặt ở người lớn, do khả năng hút ẩm, giúp giữ làn da khô ráo, mỏng mịn và mềm mại.
Kể từ năm 2013, đã có hàng nghìn vụ kiện liên quan đến bệnh ung thư đối với hãng sản xuất phấn dùng cho cơ thể hàng đầu thế giới Johnson & Johnson. Từ năm 2017, đã xuất hiện các cáo buộc rằng nhiễm độc a-mi-ăng gây nên bệnh ung thư ở người sử dụng. Các nhà sản xuất phấn có chứa bột talc như Revlon, Chanel và Avon, cũng đối mặt với các vụ kiện tương tự.
Việc xem xét các sản phẩm có chứa bột talc được tăng cường sau một phóng sự điều tra của hãng tin Reuters vào năm 2018. Theo điều tra này, trong nhiều thập kỷ, Johnson & Johnson đã biết rõ các sản phẩm phấn của mình có chứa a-mi-ăng. Johnson & Johnson không đồng tình với phát hiện này của hãng tin Reuters và giữ ý kiến rằng các sản phẩm phấn của hãng này an toàn và không chứa a-mi-ăng.
Tuy nhiên, tháng 5 vừa qua, Johnson & Johnson đã phải tuyên bố ngừng bán phấn rôm cho trẻ em có chứa bột talc ở Mỹ và Canada do doanh thu sụt giảm và phản ứng tiêu cực của người dùng.
Năm ngoái, khi phân tích thành phần của 52 mẫu mỹ phẩm có chứa bột talc, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã phát hiện 9 mẫu trong số này có sự hiện diện của a-mi-ăng. Các sản phẩm này sau đó đã được các hãng sản xuất tự nguyện thu hồi. Năm nay, FDA đang phân tích thêm 50 mẫu sản phẩm khác và đang xem xét xây dựng tiêu chuẩn xét nghiệm a-mi-ăng.