Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ngày 29/12 đã kêu gọi đối thoại với CHDCND Triều Tiên. Động thái này được đánh giá là thể hiện thái độ mềm mỏng hơn của Xơun đối với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, các bên liên quan tiếp tục nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.
Trong một cuộc họp với Bộ Thống nhất tại văn phòng tổng thống, ông Lee Myung-bak phát biểu: "Chúng ta cần phải nỗ lực để đạt được hòa bình thông qua đối thoại liên Triều song song với tăng cường quốc phòng".
Ông Lee Myung-bak cũng kêu gọi Bộ Thống nhất nỗ lực thay đổi quan điểm tiêu cực của người dân về khả năng thống nhất hai miền.
Ngoài ra, Tổng thống Hàn Quốc còn khẳng định, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên phải được giải quyết thông qua đàm phán, dù cơ hội đàm phán quốc tế còn mong manh vì khác biệt lớn giữa các bên có liên quan.
Đàm phán 6 bên là cách duy nhất để chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên để đổi lại lấy viện trợ kinh tế. Theo Tổng thống Lee Myung-bak, nên loại bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên thông qua đàm phán vào năm 2011.
Mục tiêu này của Hàn Quốc bị các nhà phân tích cho rằng không thể đạt được vì khó có khả năng Triều Tiên sẽ nhượng bộ.
Binh lính Hàn Quốc đóng trên đảo Yeonpyeong, nơi xảy ra vụ đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên hôm cuối tháng 11. Ảnh: YONHAP |
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-Hwan cũng khẳng định, Hàn Quốc sẵn sàng đối thoại nếu Triều Tiên đồng ý thảo luận về chương trình hạt nhân trong đàm phán song phương. Tuy nhiên, ông Kim Sung-Hwan cho biết, 5 quốc gia tham gia đàm phán với Triều Tiên chưa nhất trí về điều kiện nối lại đàm phán 6 bên.
Năm 2011, Hàn Quốc sẽ tìm kiếm đối thoại với Triều Tiên nhằm giải quyết những vấn đề mấu chốt, trong đó có vấn đề hạt nhân, cũng như các quan hệ chính trị, nhân đạo liên Triều.
Trong báo cáo trình Tổng thống ngày 29/12, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đề xuất năm 2011 thực hiện chính sách đối thoại để đạt được 3 mục tiêu gồm thay đổi thái độ của Triều Tiên, thiết lập các quan hệ vững chắc với Triều Tiên và chuẩn bị cho tiến trình tái thống nhất.
Hàn Quốc cũng sẽ thúc đẩy Triều Tiên trở lại bàn đàm phán về thỏa thuận tổng thể giải trừ hạt nhân đổi viện trợ, trong khi sẽ xem xét viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.
Trong khi đó, ngày 29/12, trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trình Quốc Bình đã hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Borodavkin để trao đổi quan điểm về tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.
Hai bên đã nhất trí cùng kêu gọi Triều Tiên và Hàn Quốc chung sức giảm căng thẳng và nối lại đàm phán trực tiếp vào một ngày sớm nhất.
Trong tuyên bố chung sau hội đàm, ông Trình Quốc Bình và Alexei Borodavkin cùng cho rằng căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên có thể trở thành một cuộc chiến và điều này hoàn toàn không có lợi cho các bên có liên quan gồm Nga, Mỹ và Nhật Bản.
Bản thân Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ thiệt hại nặng nhất nếu chiến tranh nổ ra. Tuyên bố khẳng định, Nga và Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên hay căng thẳng kéo dài giữa hai quốc gia.
Do đó, Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác, phối hợp nhiều hơn nữa để thúc đẩy đàm phán trực tiếp. Hai bên cũng nhấn mạnh, đàm phán 6 bên là giải pháp hữu hiện nhất, thực tế nhất cho vấn đề bán đảo Triều Tiên. Còn trước mắt, hội đàm khẩn cấp giữa các trưởng đoàn đàm phán 6 bên là điều rất cần thiết.
Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên (gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc) khởi động từ năm 2003 nhưng bị bế tắc từ cuối năm 2008.
Khánh Vân (P/v TTXVN tại Xơun) - Thùy Dương