Phát biểu tại Hội nghị Chính sách Thế giới lần thứ 7 tổ chức tại Seoul ngày 8/12, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun - hye tuyên bố Seoul đang nỗ lực để sớm tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc và tạo lập một khuôn khổ lòng tin ở Đông Á, sau những va chạm, xung đột giữa các nước liên quan đến tranh chấp lãnh thổ cùng các vấn đề lịch sử.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Shinzo Abe tại Hội nghị cấp cao APEC ở Bắc Kinh hôm 11/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo bà Park Geun - hye, sự hình thành của khung hợp tác này tại Đông Á, trong đó có bán đảo Triều tiên, là một nhân tố quan trọng để thế giới tiến đến một tương lai hòa bình, an ninh hơn. Với vai trò và vị thế đặc trưng của mình, ba nước cần cùng nhau chung sức vì hợp tác đa phương ở Đông Bắc Á. Tổng thống Hàn Quốc cũng cho biết, Hội nghị thượng đỉnh ba bên sẽ được tổ chức trên cơ sở kết quả cuộc gặp giữa bộ trưởng Ngoại giao ba nước.
Từ năm 2008, lãnh đạo 3 nước đã tiến hành 5 cuộc họp thượng đỉnh, không kể các cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao liên quan đến ASEAN. Thế nhưng, kể từ khi ông Shinzo Abe lên nắm quyền tháng 12/2012, chưa có một cuộc gặp nào như vậy được tổ chức. Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Abe đã có cuộc gặp bên lề với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng chưa có cuộc tiếp xúc thượng đỉnh song phương nào với Tổng thống Park Geun - hye, do Seoul yêu cầu Tokyo phải giải quyết vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép “mua vui” cho binh sĩ Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.
Thời điểm thích hợp
Phát biểu của bà Park Geun - hye thể hiện nỗ lực của Seoul trong thời gian gần đây nhằm hàn gắn những bất đồng trong quan hệ giữa ba nước láng giềng Đông Bắc Á. Trước đó, hôm 13/11, một thông điệp tương tự cũng đã được Tổng thống Hàn Quốc phát đi, khi bà tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN tại Myanmar. Thư ký cấp cao Phủ Tổng thống phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia Ju Chul - ki cùng lúc cho biết, Seoul nỗ lực thúc đẩy một cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc trong khoảng cuối tháng 12 này, làm tiền đề cho cuộc gặp thượng đỉnh ba bên.
Những tín hiệu tích cực cũng đã dần xuất hiện. Trong cuộc tiếp phái đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (Keidaren) tại Seoul đầu tháng này, Tổng thống Park Geun - hye tuyên bố muốn tạo lập một quan hệ mới với Nhật Bản trong thời gian tới. Đối với Nhật Bản, kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe nhiều khả năng sẽ giành thắng lợi trong kì bầu cử sớm vào ngày 14/12 tới. Cải thiện quan hệ với Bắc Kinh và Seoul sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản, nhất là khi năm 2015 là thời điểm đánh dấu 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Hàn Quốc. Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã có phản ứng tích cực trước đề xuất được phía Hàn Quốc đưa ra tại Myanmar, khi ông nói rằng ngoại trưởng ba nước cần sớm gặp nhau để thảo luận các bước hợp tác tiếp theo cho kì gặp thượng đỉnh.
Giới phân tích nhận định, đề xuất mà Tổng thống Park Geun - hye đưa ra là bước đi khôn khéo về mặt chiến lược, đáp ứng được lợi ích của các bên, trong bối cảnh các cuộc gặp thượng đỉnh song phương có thể còn chưa thích hợp. Nếu thành hiện thực, cuộc gặp thượng đỉnh ba bên sẽ giúp nâng cao tầm ảnh hưởng của Hàn Quốc tại khu vực. Còn với Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có được cơ hội để khẳng định mục tiêu trong chính sách ngoại giao ở khu vực - là đầu tàu tạo lập sự thống nhất ở Đông Bắc Á thay vì đối đầu với hai nước láng giềng.
Hoài Thanh