Hạ viện Nga thông qua hiệp ước sáp nhập Crimea

Ngày 20/3, Duma quốc gia (Hạ viện) Nga đã chính thức thông qua hiệp ước sáp nhập Crimea (Crưm) vào lãnh thổ Liên bang Nga. Cùng ngày, Ukraine thông báo kế hoạch rút quân khỏi Crimea trong khi Mỹ đã loại trừ khả năng can thiệp quân sự tại đây.

 

Ukraine rút khỏi CIS


Với 443 phiếu thuận và một phiếu chống, Duma quốc gia Nga đã nhất trí với Hiệp ước sáp nhập Crimea và thành phố Sevastopol với tư cách là chủ thể. Ngoài ra, viện quốc hội này cũng thông qua dự luật về thành lập hai chủ thể liên bang mới của LB Nga. Dự kiến, Thượng viện Nga sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu tương tự vào ngày 21/3 tới để hoàn tất việc phê chuẩn hiệp ước đã được Tổng thống Vladimir Putin ký hôm 18/3 vừa qua. Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cũng nói rằng Nga sẽ đảm bảo Crimea có nguồn cung năng lượng ổn định.

Lực lượng tự vệ Crimea đứng gác sau khi giành quyền kiểm soát trụ sở Bộ chỉ huy hải quân Ukraine tại thành phố Sevastopol ngày 19/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo ông Andriy Parubiy, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, số lượng binh sĩ Ukraine sẽ rút khỏi Crimea là 25.000 người. Kế hoạch rút quân bao gồm cả việc đưa gia đình của các binh sĩ ra khỏi Crimea một cách nhanh chóng và hiệu quả.


Tại căn cứ hải quân chính của Ukraine trên Crimea, một số binh sĩ Ukraine đã mang theo tư trang cá nhân để rời khỏi đây. Nhiều người trước đó đã quay sang gia nhập đội ngũ Nga. Những người dân không muốn ở Crimea sẽ được chính phủ Ukraine tạo điều kiện sơ tán.


Trong khi đó, Ukraine cũng đưa ra một loạt biện pháp để phản ứng lại việc Nga sáp nhập Crimea, bao gồm rời khỏi nhóm Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) khi đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên, tuyên bố buộc công dân Nga phải xin visa nhập cảnh và đề nghị Liên hợp quốc biến Crimea thành một khu vực phi quân sự.


Argentina đã phê phán thái độ “lá mặt lá trái” của các cường quốc phương Tây, chủ yếu là Anh và Mỹ, vì họ không công nhận kết quả trưng cầu ý dân tại Crimea, nhưng lại thừa nhận tính hợp pháp của cuộc trưng cầu tương tự tại quần đảo Malvinas của Argentina, mà Anh gọi là Falklands.

Về vấn đề visa, ông Parubiy cho biết Ukraine sẽ đưa ra một cơ chế mà chỉ người Nga có hộ chiếu du lịch mới có thể vào Ukraine, thay vì cơ chế tự do đi lại chỉ cần giấy tờ tùy thân mà Ukraine và Nga đã ký kết kể từ sau khi liên bang Xô Viết sụp đổ. Tuy nhiên, phát biểu tại Brussels (Bỉ) cùng ngày, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatseniuk lại tuyên bố không vội áp dụng chế độ thị thực riêng với Nga. Theo ông Yatseniuk, sáng kiến này chưa thực sự tác động hiệu quả đến Nga, nhưng có thể tác động tiêu cực đến người dân Ukraine bởi đa số công dân Ukraine muốn duy trì chế độ miễn thị thực, đặc biệt là người dân tại khu vực phía Đông và Nam nước này, nơi có đông người sang Nga làm việc.


Mỹ không can thiệp quân sự


Trước những diễn biến dồn dập tại Crimea và Ukraine, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết sẽ không định thực hiện một cuộc “du ngoạn quân sự”, ám chỉ sẽ không đưa quân sang Ukraine. Phát biểu với kênh truyền hình KNSD của San Diego, ông Obama nói: “Ngay cả người Ukraine cũng sẽ thừa nhận rằng việc Mỹ và Nga đối đầu quân sự sẽ không phù hợp và sẽ không có lợi cho cả Ukraine”. Trước đó, ông Obama cho rằng vẫn còn giải pháp tốt hơn và người Ukraine cũng thừa nhận can dự quân sự với Nga sẽ không có lợi cho Ukraine. Tuy nhiên, điều mà Mỹ sẽ làm là huy động mọi nguồn lực ngoại giao để tạo thành một liên minh quốc tế mạnh mẽ nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới Nga. Đồng thời, Mỹ và đồng minh sẽ tiếp tục gây sức ép với Nga bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn hơn.


Cùng ngày 20/3, Tổng thống Obama cho biết sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào 20 nghị sĩ và quan chức cao cấp của chính phủ Nga, đồng thời đe dọa nhắm trực tiếp tới các ngành chủ chốt của kinh tế Nga. Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ hủy hội nghị thượng đỉnh Nga - EU dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, tại hội nghị này, EU sẽ chưa vội thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga.

 

Thùy Dương (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN