Có lẽ thời khắc giao mùa dễ nhận ra nhất, mùa về rõ nhất trong năm ấy là mùa hạ. Quả đúng như vậy. Từ hạ sang thu, từ thu sang đông, từ đông sang xuân thời tiết đều chuyển một cách từ từ. Hạ sang thu nhẹ nhàng lắm, nhiều khi khiến ta còn nghi ngờ nữa cơ. Sớm mai thức dậy thấy heo may se se lạnh, sương bảng lảng đâu đó, thoang thoảng hương thị thơm khiến cho các thi sĩ, họa sĩ đều nhìn nhau ngơ ngác: “Hình như thu về qua ngõ”? Mùa thu sang mùa đông cũng vậy. Trời dần dần lạnh hơn. Từ áo len, chăn đơn chuyển dần sang áo dạ, chăn bông rồi mùa đông đến tự lúc nào cũng không hay. Thì đấy, chẳng đã có nhạc sỹ nào đó đã phải thốt lên rằng “hình như mùa đông đã về” là gì! Tất cả vẫn chỉ là “hình như”. Còn từ mùa đông sang mùa xuân, mặc dù năm mới năm cũ giao nhau bằng cái Tết cổ truyền dân tộc nhưng cái rét cũng chuyển thật từ từ. Lại từ chăn bông, áo dạ chuyển dần sang chăn chiên, áo len. Có năm ăn Tết từ đời nảo đời nào rồi mà trời vẫn cứ rét căm căm, mưa chẳng ra mưa xuân, vẫn cứ mưa phùn gió bấc khiến cho ta cảm thấy hình như mùa đông vẫn còn đâu đó. Lại “hình như”? Thì thế mới là giao mùa. Cái cũ đã qua nhưng chưa qua hẳn, cái mới đã tới nhưng cũng chưa tới hẳn. Cảm xúc giao mùa khiến cho nhiều văn nghệ sỹ sản sinh ra nhiều tác phẩm để đời.
Riêng mùa hạ về thì rõ lắm. Bắt đầu là từ trời. Thời tiết âm u, bậm bục suốt mấy tháng mùa xuân, mưa không mưa được, nắng không nắng được. Bỗng một ngày kia sấm chớp vỡ òa, những cơn mưa rào thỏa sức xả nước tưới tắm cho mặt đất đang khô khát cả nửa năm trời. Có nơi, ông trời hứng lên làm những trận mưa đá, lốc xoáy kèm theo sấm sét đến kinh người. Sấm tháng ba là trống trời báo hiệu mùa hạ tới. Rồi thì nắng mới bừng lên. Không từ từ như nắng xuân, không yếu ớt như nắng đông, không vàng vọt như nắng thu, nắng hạ le lói, chói gắt ngay từ sáng sớm. Kèm theo nắng là nóng. Nóng đến nỗi ta cởi trần, quần đùi một cách hồn nhiên lúc nào cũng không hay. Nóng đến mức quạt mở hết cỡ quay vù vù vô tư mà không biết. Rồi thì gió. Gió phóng túng từ biển thổi vào khiến cho ta mát rượi. “Một trăm con hầu không bằng đứng đầu ngọn gió” là nói về cái gió hạ đó. Có năm, trời còn làm bão to gió lớn để khoe với vũ trụ rằng đã đón được mùa hạ về. Như năm Nhâm Thìn 2012 này đấy chẳng hạn. Thế mới lạ.
Tiếp theo với trời là đất. Bắt đầu là tiếng ếch nhái kêu inh oang sau mỗi trận mưa rào. Trên là sấm động, dưới là ếch kêu. Tất cả thi nhau gọi vũ trụ, báo con người, la toáng lên rằng là mùa hạ đã về, đã về! Đâu chỉ có ếch nhái hoan ca, đến cả côn trùng cũng rỉ rả râm ran suốt đêm cùng trăng sao tấu bản tình ca vào hạ. Rồi thì cuốc kêu, bìm bịp kêu. Rồi thì tu hú gọi. Chim ca ca “bắt tép kho cà”, chim “bắt cô trói cột” cũng hòa thanh, khoe sắc. Rồi bất chợt đâu đó bùng lên tiếng ve ngân. Dàn đồng ca mùa hạ tấu lên tình khúc hạ về khắp chốn, khắp nơi, mỗi ngày mấy lượt, râm ran nhức óc, rỉ rả liên hồi, khiến những ai thờ ơ nhất cũng phải biết mùa hạ đã tới.
Cây cối cũng hân hoan tưng bừng chẳng kém. Hàng phượng vĩ sốt ruột quá cũng bừng lên sắc hoa, đỏ rực một khoảng trời. Ve ngân, phượng đỏ, cánh hoa rơi khiến các cô cậu học trò cũng vội vã bước vào mùa thi, bối rối chuẩn bị xa trường, xa lớp, xa nhau. Những rung động đầu đời thôi đành xếp lại. Bài thơ tình giấu trong ngăn bàn học nửa muốn giữ nửa lại muốn trao. Đã vội chuyền tay nhau cuốn sổ lưu bút. Đã dùng dằng lắm những buổi học cuối cùng. Ánh mắt ta và người ấy sao bỗng nhiên thảng thốt bâng khuâng thế. Ve vẫn cứ ngân, phượng vẫn cứ đỏ rực trời. Nuối tiếc lắm, tuổi học trò mến yêu ơi! “Mỗi khi đến hè lòng man mác buồn”. Sao ai cứ hồn nhiên hát mãi câu hát ấy thế để nó cứa mãi vào lòng ta niềm ly biệt chẳng nói được thành lời.
Hạ về! Hai tiếng ấy khiến lòng ta xốn xang. Đất trời hân hoan mở hội. Xuân đang chuyển, hoa đang chờ kết trái. Những chuyến du lịch, nghỉ mát đã được lên kế hoạch. “Trong mỗi chuyến đi xa lại biết thêm bao điều mới lạ về đất nước, về con người, về cuộc sống và tình yêu”. Chỉ có tuổi học trò là dùng dắng bâng khuâng. Thôi nhé em, cứ để hạ về cho ve ngân, phượng thắm. Nào ta cùng nắm tay nhau vững bước vào mùa thi, tự tin bước vào đời cùng hạ.
Xuân Thu