Hà Nội thúc đẩy GPMB 10 dự án trọng điểm

10 công trình giao thông trọng điểm triển khai tại thủ đô đang “mắc cạn” vì vướng giải phóng mặt bằng (GPMB). Việc không có mặt bằng sạch, các công trình chậm tiến độ về đích, không chỉ làm phát sinh vốn đầu tư, mà còn là nguyên nhân khiến các nhà thầu đòi bồi thường chi phí “chờ đợi”.


Điệp khúc vướng mặt bằng


Theo Ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông tại Hà Nội đang rất bức xúc, nhưng 10 dự án trọng điểm như: Quốc lộ (QL)3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng... đều bị chậm tiến độ do vướng GPMB ở các cấp độ khác nhau. Thậm chí, công trình đường Láng - Hòa Lạc, đưa vào khai thác từ dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, đến nay vẫn còn 2,37 ha đất ở chưa bàn giao.


Dự án xây dựng đường vành đai 2 Hà Nội, đoạn Nhật Tân - Xuân La. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

 

Tại dự án QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên đoạn qua Thái Nguyên đã thông xe từ tháng 7/2013 và phát huy hiệu quả sử dụng. Còn đoạn đường qua Hà Nội mặc dù Bộ GTVT đang yêu cầu quyết liệt thông tuyến vào cuối năm nay, nhưng hiện vẫn rất vướng về GPMB. Theo báo cáo của Hà Nội, dự án vẫn còn 2,37 ha đất cần GPMB tại ba huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn.


Đặc biệt, dự án cầu Nhật Tân đang gặp phải sự phản ứng quyết liệt từ nhà thầu. Do vướng GPMB, tiến độ các gói thầu của dự án này đã chậm so với kế hoạch từ 18 - 27 tháng, khiến nhà thầu đang đòi chủ đầu tư bồi thường hàng trăm tỷ đồng do phát sinh các chi phí về việc chờ mặt bằng sạch và thi công cầm chừng. Dự án này phải xong GPMB vào tháng 5/2013, nhưng hiện vẫn đang vướng 1,59 ha đất do 138 hộ dân ở phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) không đồng ý về giá bồi thường thấp...


Qua trao đổi, lãnh đạo các huyện đều cho rằng: Do cơ chế, chính sách trong công tác đền bù và tái định cư có nhiều thay đổi, nên các địa phương gặp nhiều khó khăn. Ngoài vướng mắc trong xác định giá đất, nhiều dự án đang gặp khó về nguồn vốn phục vụ GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư.


Không thể chậm trễ hơn


Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) Nguyễn Ngọc Long, chủ đầu tư dự án QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên cho biết: Lo ngại thiếu vốn đối ứng để chi trả, Ban đã phải vay “nóng” ngân hàng 22 tỷ đồng để sẵn sàng ứng cho đền bù GPMB tại Hà Nội. Dù vậy, do công tác GPMB vẫn kéo dài, nên chủ đầu tư đang lo ngại không biết tiền lãi vay tăng lên sẽ tính vào đâu, vì lấy ngân sách trả là trái luật.


Còn theo Giám đốc điều hành dự án cầu Nhật Tân Nguyễn Lê Minh, việc chậm trễ bàn giao mặt bằng ảnh hưởng lớn đến việc thi công của các nhà thầu. Nếu Hà Nội không bàn giao dứt điểm, thì sau này công trình khó khai thác đồng bộ, việc kết nối giao thông giữa cầu Nhật Tân với đường đê An Dương Vương cũng bị ngắt quãng.


Theo các chuyên gia giao thông, công tác GPMB tại Hà Nội thường giao cho các quận, huyện trực tiếp triển khai. Trong khi bộ máy GPMB hầu hết kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm và chưa quyết liệt. Thêm vào đó, mỗi mét đất Hà Nội đều liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, nên cũng nảy sinh nhiều vấn đề về đền bù, tái định cư...


Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Nguyễn Minh Tuyến khẳng định: Cơ chế chính sách liên quan đến GPMB, hướng dẫn công tác bồi thường, tái định cư quy định cụ thể trong Nghị định 69/2009/NĐ - CP và Quyết định 883/BGTVT. Bất kỳ địa phương nào cũng phải thực hiện theo các quy định. Tuy nhiên, các dự án qua Hà Nội đến nay đều chậm là do công tác tổ chức của Hà Nội chưa hiệu quả, có quá nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia GPMB, nên chồng chéo và có nhiều bất cập.


Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng cho rằng, thời gian qua việc chỉ đạo, điều hành GPMB ở tất cả các cấp của Hà Nội chưa quyết liệt, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa thường xuyên, chặt chẽ, khiến các vướng mắc nảy sinh không được giải quyết kịp thời, gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Do đó, các dự án cần đẩy mạnh tiến độ GPMB hơn nữa, các quận, huyện cần khẩn trương lập phương án đền bù GPMB, công khai với dân để đẩy mạnh GPMB, bàn giao dứt điểm cho nhà thầu thi công. Nguyên tắc của thành phố là các phương án GPMB đã phê duyệt sẽ không thay đổi để bảo đảm công bằng xã hội.


Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng đề nghị TP Hà Nội cần chỉ đạo các quận, huyện tập trung GPMB quyết liệt hơn. Ngay khi có mặt bằng sạch, Bộ GTVT sẽ yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu dốc sức thi công, hoàn thành. Các dự án giao thông trọng điểm đều phải cán đích đúng hẹn như: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm nhất đến tháng 6/2015 phải đưa vào khai thác, Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên phải hoàn thành vào 31/12/2013...

 

"Theo quy định hiện nay mặt bằng do địa phương chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nhà thầu chỉ ký hợp đồng với chủ đầu tư. Chính vì vậy, khi chậm GPMB, nhà thầu chỉ biết làm việc với chủ đầu tư, chứ không biết gì về địa phương. Do đó, các chủ đầu tư phải làm rõ trách nhiệm với Hà Nội, không để lặp lại tình trạng này ở các dự án khác, vì dù là lỗi của ai cũng đều là tiền ngân sách”, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nói.

Hà Nội thúc đẩy GPMB 10 dự án trọng điểm
Hà Nội thúc đẩy GPMB 10 dự án trọng điểm

10 công trình giao thông trọng điểm triển khai tại thủ đô đang “mắc cạn” vì vướng giải phóng mặt bằng (GPMB). Việc không có mặt bằng sạch, các công trình chậm tiến độ về đích, không chỉ làm phát sinh vốn đầu tư, mà còn là nguyên nhân khiến các nhà thầu đòi bồi thường chi phí “chờ đợi”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN