Ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. |
Là một tỉnh vùng cao biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước; địa hình, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiếu đất canh tác và nước cho sản xuất; trình độ sản xuất và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn...
Được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các, bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, năng động, sáng tạo, vượt khó với quyết tâm cao hoàn thành các mục tiêu chủ yếu đề ra.
Hà Giang đã giành được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; hình ảnh mảnh đất, con người Hà Giang đẹp hơn, ấn tượng hơn trong cả nước. Trong tổng số 100 chỉ tiêu chủ yếu và chỉ tiêu chi tiết Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra, đến nay có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt.
Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 8,8%. Tính đến hết năm 2014, thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.550 tỷ đồng và Hà Giang đã đứng thứ 9/14 tỉnh trong vùng.
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 3.600 tỷ đồng, đứng thứ 10/14; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt gần 5.800 tỷ đồng, đứng thứ 11/14. Bình quân lương thực đầu người đạt 488 kg/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,72%/năm, giảm nhanh hơn mục tiêu vùng 0,72%.
Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, hiệu quả và bền vững hơn, an ninh lương thực được đảm bảo. Nhiệm vụ xây dựng Hà Giang trở thành vùng trọng điểm quốc gia về dược liệu được triển khai tích cực bằng các quy hoạch, đề án và dự án cụ thể. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, Hà Giang đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy tối đa nội lực trong nhân dân, với phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau, việc không cần nhiều tiền làm trước, việc cần nhiều tiền làm sau” tạo ra phong trào sâu rộng và sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát (ngoài cùng bên phải) và Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh thăm mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang). Ảnh: Phi Anh |
Đến nay, Hà Giang đã có 8/176 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế biên mậu luôn được ưu tiên đầu tư. Lĩnh vực du lịch phát triển cả về quy mô, chất lượng, đạt kết quả có tính đột phá, tạo tiền đề xây dựng Hà Giang từng bước trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc gia.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ dân trí được nâng lên; giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được khơi dậy và phát huy. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình có nhiều tiến bộ, mức hưởng thụ các dịch vụ y tế của nhân dân được nâng lên; chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được nâng cao.
Mùa vàng ở Hoàng Su Phì (Hà Giang). Ảnh: Minh Tâm - TTXVN |
Công tác an sinh xã hội luôn được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, phát triển có chiều sâu. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đổi mới rõ nét, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện. Hà Giang đã hoàn thành nhiệm vụ do Bộ Chính trị giao, đó là đặt mốc đánh dấu bước phát triển mới của tỉnh nhà trong những năm tới một cách thiết thực, thực tiễn và hiệu quả.
Bước sang nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong bối cảnh đất nước đang có nhiều thuận lợi, song cũng có nhiều khó khăn, thách thức mới đan xen, từ thực tiễn, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVI xác định chủ đề là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; khai thác hợp lý, có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh; phấn đấu đến năm 2020, Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn”. Bên cạnh các mục tiêu tổng quát, Đại hội đề ra 2 khâu đột phá và 5 chương trình trọng tâm.
Đó là đột phá về nâng cao chất lượng công vụ và xây dựng chính sách, vận dụng cơ chế, đưa chính sách vào cuộc sống cho phát triển nhanh và bền vững; đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Phấn đấu đến năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt tốc độ tăng bình quân 8%/năm trở lên; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 2.500 tỷ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ giảm nghèo bình quân hàng năm đạt 4%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng lưới điện quốc gia đạt 94,4%; trên 90% dân cư thành thị được sử dụng nước hợp vệ sinh... Đảng bộ tỉnh Hà Giang tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm là: Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa; kinh tế du lịch và kinh tế biên mậu trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.
Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới và sáng tạo, kế thừa thành tựu 30 năm đổi mới của đất nước và 24 năm tái lập tỉnh trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, xây dựng tỉnh Hà Giang giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là điểm sáng nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên Chủ nghĩa xã hội.