Dân Nậm Khao thấp thỏm vì sạt lở

Để xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu, giữa năm 2014, đồng bào Cống ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè (Lai Châu) nằm dưới lòng hồ thủy điện, đã di chuyển lên vị trí cao hơn. Đến nơi ở mới, đồng bào được ở trong những ngôi nhà sàn khang trang, sạch đẹp; nhiều công trình dân sinh được xây dựng... tạo nên một cuộc sống yên ấm, no đủ. Thế nhưng nay, đồng bào lại phải đối diện với những nguy hiểm bởi sạt lở đất.



Hệ thống kè bị nứt, sạt nghiêm trọng


Ông Chang A Hân, Phó Bí thư xã Nậm Khao cho biết, đây là mùa mưa thứ hai người dân ở bản Nậm Khao phải đối mặt với nguy cơ sạt lở. Năm đầu tiên chỉ sạt lở ở một vài điểm. Tình trạng sạt lở nhiều hơn khi đến mùa mưa năm nay đến. Hiện 13 hộ đang nằm trong diện nguy cơ cao, trong đó 3 - 4 hộ đã bị bùn đất trôi vào nhà khi trời mưa. Trường THCS của xã cũng đã xuất hiện vết nứt nhỏ, dài ở gần cổng trường.

Để tránh mưa xuống làm xói lở, các đơn vị chức năng đã dùng bạt phủ kín toàn bộ bề mặt vị trí sụt lún phía trên. Đất từ trên cao bị sụt dài hàng chục mét kéo theo một khối lượng bùn đất đẩy và xô nghiêng các rọ đá to ngay cạnh móng nhà của các hộ dân; hệ thống rãnh thoát nước cũng bị nấp kín. Để ngăn bùn đất tràn vào sân, vào nhà, bà con phải dùng cây chống tạm vào các rọ đá, nhưng nước vẫn chảy qua các kẽ đất đá.

Được chuyển lên mặt bằng tái định cư từ tháng 4/2014, gia đình chị Lê Thị Huệ đã xây dựng nhà cửa kiên cố, với kinh phí khoảng 700 triệu đồng, với mong muốn ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, gần hai mùa mưa đi qua là bằng ấy ngày gia đình chị sống trong lo lắng, không biết khi nào ngôi nhà bị bùn đất cuốn trôi. Chị Lê Thị Huệ cho biết, do gia đình nằm hoàn toàn trên phần đất mượn, được lu lèn chưa kỹ, nên mỗi khi có mưa, đất đằng sau nhà lại sụt, ăn sâu vào móng nhà.

Quan sát bằng mắt thường cũng thấy ngôi nhà của chị Huệ đã bị nghiêng, nền đất có nhiều vết nứt; bên trong nhà, hai góc tường đã bị nứt toác thành rãnh dài chạy từ trần xuống móng. “Mỗi khi có mưa, kể cả mưa nhỏ, tôi phải đưa con đến chỗ khác ngủ, không dám ngủ trong nhà. Mang tiếng có nhà mà chẳng yên tâm để ở”, chị Huệ nói thêm. Được biết, trước đây, bên cạnh nhà chị Huệ có một ngôi nhà do sạt lở đã bị gãy làm đôi lúc đang nửa đêm. May mắn là không có thiệt hại về người. Vì quá sợ, các hộ xung quanh đã chuyển đi nơi khác...

Tương tự nhà chị Huệ, gia đình chị Chang Thị Tươi và nhiều gia đình khác cũng nằm trong cảnh nguy hiểm.

Từ mùa mưa năm 2014 và trước mùa mưa năm 2015, huyện Mường Tè đã chỉ đạo các đơn vị thi công hót bỏ đất sạt sụt, xử lý kỹ thuật để giảm tải cho mái ta luy. Đồng thời, tiến hành lu nền đất, làm rãnh thu nước, kè rọ đá sát nhà dân... Tuy nhiên, các biện pháp khắc phục trên chỉ là tạm thời.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Huyện đã xác định nguyên nhân sụt sạt là do nước ngầm, vì vậy phương án khắc phục là phải di chuyển dân đi nơi khác hoặc làm kè lớn chặn nước ngầm từ phía trên đồi. Tuy nhiên, để xử lý được như vậy ít nhất cũng phải mất 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đây chỉ là quan điểm của huyện Mường Tè, còn việc lựa chọn phương án nào, cách khắc phục ra làm sao thì vẫn phải chờ đoàn liên ngành của tỉnh vào kiểm tra, đánh giá, kết luận và đưa ra quyết định cuối cùng.

Cũng theo ông Trường, huyện đã cử cán bộ xuống các điểm sụt sạt túc trực, cao điểm có đến 20 người cùng với dân quân xã... Khi có mưa lớn sẽ di chuyển bà con đến những nơi an toàn hơn như: Trường, nhà văn hóa xã, bản.

Trong khi chờ đợi phương án giải quyết, đồng bào ở Nậm Khao vẫn phải thức trắng đêm khi trời đổ mưa. Các cơ quan chức năng cần sớm xem xét và đưa ra phương án xử lý để đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân, để người dân.

Nguyễn Duy
Chủ động ứng phó lũ quét, sạt lở đất
Chủ động ứng phó lũ quét, sạt lở đất

Mưa lớn trong vài ngày qua, đặc biệt là cơn mưa lớn đêm 17/9 rạng sáng ngày 18/9 đã gây ngập úng ở một số tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN