Sau 2 năm từ xây dựng Đề án đến thực hiện đồng bộ, kiên quyết các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hà Giang đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về quản lý nguồn vốn ưu đãi và giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Đồng bào dân tộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn nhận vốn vay chính sách tại điểm giao dịch xã. |
Hà Giang, tỉnh miền núi biên cương địa đầu của Tổ quốc, có đến 6/52 huyện nghèo nhất nước nằm trong Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm cao nhất khu vực miền núi, trung du phía Bắc (81,4%) và số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 cũng đông nhất, chiếm tỷ lệ bình quân 51,3%. Do vậy, trong suốt một thập kỷ qua, Hà Giang đã được các chính sách, chương trình, dự án cấp nhà nước cùng 12 chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH ưu tiên đầu tư đồng bộ, hỗ trợ kịp thời, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội tại địa bàn.
Tuy nhiên, chính sự đặc thù này cũng có hai mặt của nó, “lợi bất cập hại”, nghĩa là vừa mang lợi thế, cơ hội về cho Hà Giang, vừa gây khó khăn, thách thức đến hoạt động của NHCSXH, cụ thể là đã làm cho chất lượng tín dụng ưu đãi của NHCSXH tỉnh Hà Giang yếu kém hơn so với mặt bằng của hệ thống NHCSXH.
Vào thời điểm cuối năm 2011, nợ quá hạn của NHCSXH tỉnh Hà Giang bình quân trên 2,4% tổng dư nợ, lãi tồn đọng khá lớn, gần 90 tỷ đồng, đó là chưa kể đến khoản nợ bị chiếm dụng, nợ chưa đổi được Sổ vay vốn còn quá nhiều. Bên cạnh 2 hoặc 3, NHCSXH cấp huyện hoạt động hiệu quả, còn số đông trong 10 đơn vị trực thuộc, NHCSXH tỉnh Hà Giang đã để nợ quá hạn kéo dài, tăng cao trên mức 3% so với tổng dư nợ, điển hình là các huyện Quản Bạ, Quang Bình, Xín Mần...
Nguyên nhân của tình trạng này trước hết do khách quan một phần (như điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế - xã hội, trình độ dân trí ở vùng núi đá biên giới), nhưng chủ yếu vẫn là năng lực công tác của một bộ phận cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ NHCSXH nơi đây còn hạn chế, cũng như việc NHCSXH phối hợp với các hội, đoàn thể và các Tổ tiết kiệm và vay vốn bị coi nhẹ, nhất là đã lơi lỏng, không xử lý dứt điểm các khoản nợ quá hạn, lãi tồn. Đặc biệt, đại đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng dân tộc - miền núi Hà Giang vốn quen lối nghĩ ỷ lại, trông chờ vào sự “cấp đỡ, cho không” của Nhà nước, lại không nhận thức đúng đắn về việc có vay, có trả, kể cả vay vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua NHCSXH, nên đã làm cản trở đến việc thu hồi nợ của ngân hàng. Ấy là chưa nói đến những trường hợp bà con dân tộc vay vốn chính sách rồi không biết làm gì để sinh lợi, hay tập quán lạc hậu, du canh du cư,... dẫn đến khó khăn khôn lường cho cán bộ ngân hàng trong công tác đối chiếu sổ sách thu lãi, thu nợ khi đến hạn.
Nhằm bứt ra khỏi danh sách đơn vị hoạt động yếu kém, NHCSXH tỉnh Hà Giang mạnh dạn lập Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và đã được Tổng Giám đốc NHCSXH chuẩn y thực hiện đầu năm 2012. Theo đó, Ban điều hành của hệ thống đã điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ quản lý có năng lực, phẩm chất tốt trực tiếp đảm đương trách nhiệm của người đứng đầu tại NHCSXH tỉnh Hà Giang và các huyện trên vùng biên cương địa đầu này. Cùng với công tác chỉ đạo tập trung, chỉ đạo kiên quyết của NHCSXH các cấp là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể ở địa phương đã nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức, mạng lưới hoạt động tín dụng ưu đãi và đã thay đổi lối nghĩ, cách làm trì trệ của một số cán bộ NHCSXH trước đây, gắn trách nhiệm công việc với trách nhiệm của từng người, từng bộ phận liên quan đến tín dụng chính sách.
Bà Đinh Thị Hồng - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Giang cho biết: Theo Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, NHCSXH đã có những giải pháp thiết thực giảm nợ quá hạn, lãi tồn đọng; nâng cao chất lượng ủy thác của các hội, đoàn thể, kiện toàn hoạt động ở tất cả 3.087 tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn; tập trung phân tích đánh giá từng món nợ quá hạn, nợ lãi tồn đọng, qua đó phân loại chính xác và có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả.
Cũng theo bà Đinh Thị Hồng, đối với những hộ có khả năng trả nợ thì cán bộ tín dụng ngân hàng cùng cán bộ chính quyền, hội, đoàn thể thôn, xã động viên, nhắc nhở trả nợ đúng kỳ hạn, với những hộ không có khả năng trả nợ thì kiên trì thuyết phục, hướng dẫn để họ trả dần song cũng phải có thời gian nhất định để họ có ý thức trả nợ đầy đủ, nghiêm túc với những trường hợp không thể trả nợ vì rủi ro do thiên tai, bệnh tật, NHCSXH phối hợp chặt chẽ với địa phương xem xét kỹ để tùy từng đối tượng mà áp dụng biện pháp xóa nợ, khoanh nợ hay gia hạn nợ. Còn đối với những hộ vay có khả năng trả nợ vẫn cố tình chây ỳ hoặc một số khách hàng là đảng viên có nợ quá hạn thì NHCSXH tiến hành biện pháp cứng rắn, thu hồi nợ kiên quyết, kể cả lập hồ sơ khởi kiện ra tòa án.
Qua 2 năm thực hiện Đề án, nhìn chung chất lượng tín dụng chính sách ở Hà Giang có chuyển biến rõ rệt. Tính đến 31/12/2013, số tiền nợ quá hạn của toàn NHCSXH tỉnh còn là 32.466 triệu đồng, chiếm có 1,9% tổng dư nợ, giảm hơn 10 tỷ đồng so với cuối năm 2012, trong đó NHCSXH huyện Đồng Văn giảm 490 triệu đồng, Bắc Quang 205 triệu đồng, Yên Minh 160 triệu đồng; tổng số lãi tồn đọng cũng chỉ có 42 tỷ đồng, giảm hơn 5,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ giảm là 11,7% so với năm 2012. Song song đó, việc kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn đã làm tăng số tổ xếp loại tốt lên 515 tổ, tổ xếp loại yếu kém chỉ còn 42 tổ, chiếm 1,4% tổng số tổ, giảm 161 tổ, so với năm 2012. Nhiều Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Xín Mần đã làm tốt việc thu hồi nợ quá hạn và yêu cầu tổ viên thực hiện nộp lãi đầy đủ hàng tháng.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở Hà Giang không chỉ thể hiện vào những con số kết quả trên mà mang ý nghĩa, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp về quản lý, thực hiện công tác tín dụng chính sách, đồng thời làm cho cán bộ NHCSXH năng động nêu cao trách nhiệm trong công tác hơn, nhất là đã thay đổi được ý thức có vay có trả vốn ưu đãi của đông đảo hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng dân tộc - miền núi Hà Giang.
Chứng minh cho sự chuyển biến ý thức của người dân vùng cao biên cương Hà Giang là xã Tân Tiến, huyện Hoàng Su Phì với 721 hộ đồng bào dân tộc sinh sống tại 12 thôn bản, nơi đây từng được các Chương trình 134, 135 của Chính phủ hỗ trợ tiền vốn, vật tư để ổn định cuộc sống và xây dựng trạm xá, trường học, trạm bơm nước... nhưng từ khi có NHCSXH cho vay vốn ưu đãi, lại bày cách sử dụng vốn và hướng dẫn thủ tục trả nợ, nộp lãi thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn nên nhiều hộ không chỉ thoát cảnh nghèo khó mà còn trả được nợ đầy đủ, đúng hạn.
Sau 2 năm thực hiện Đề án, chất lượng tín dụng ở tỉnh Hà Giang đã có sự chuyển biến tích cực. Hơn 1.700 tỷ đồng vốn ưu đãi cũng được đầu tư kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của 64.393 hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Phát huy thành quả bước đầu, năm 2014, NHCSXH tỉnh Hà Giang đang tập trung lực lượng, nỗ lực “tăng tốc”, thực hiện nhiều giải pháp phù hợp, tiếp tục thực hiện việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ quá hạn, tích cực huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đặc biệt, tích cực cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tại các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, thực hiện mục tiêu tổng nguồn vốn đến cuối năm đạt 1.841 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 1.830 tỷ đồng, giảm tỷ lệ nợ quá hạn xuống dưới 1,2% so với tổng dư nợ, thu lãi đạt 100% kế hoạch trở lên, tăng tỷ lệ Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, khá đạt 70%; quyết tâm giành điểm thi đua cao trong hệ thống NHCSXH.
Bài và ảnh: Việt Hải