Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, tình trạng trẻ mắc hội chứng tự kỷ (TK), tăng động (TĐ) gia tăng, đang làm cho các bậc phụ huynh và cả xã hội lo lắng.
Trẻ tự kỷ gia tăng
Hiện nay, nước ta chưa có con số thống kê chính xác là có bao nhiêu trẻ mắc bệnh TK, TĐ nhưng con số trẻ bị mắc bệnh được đưa đến bệnh viện khám, hoặc tham gia các câu lạc bộ ngày càng gia tăng, đáng lưu ý là số trẻ mắc hội chứng TK gia tăng bất thường.
Trung tâm Hy vọng (Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội) đã điều trị, phục hồi chức năng cho hơn 300 trẻ tự kỷ. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng trẻ TK tăng qua từng năm, năm 2007 là 405 trẻ, năm 2008 là 963 trẻ và năm 2009 là 1.752 trẻ... Đây chỉ là số trẻ được phát hiện mắc chứng TK khi bố mẹ đưa đến bệnh viện khám. Trên thực tế còn có rất nhiều trẻ TK chưa được đến khám. Riêng trên địa bàn Hà Nội vào năm 2002, CLB Gia đình trẻ TK lần đầu tiên ra đời với 40 gia đình hội viên. Sau 10 năm hoạt động, số gia đình hội viên của CLB đã tăng lên 700 gia đình có con mắc bệnh TK từ 1 đến 20 tuổi.
Một phụ huynh ở quận Ba Đình (Hà Nội) có con gái mắc bệnh TK tâm sự: “Cháu nhà tôi hơn 4 tuổi nhưng rất ít nói, ngại giao tiếp, thích chơi một mình. Tôi cứ nghĩ là cháu nhút nhát nên cũng không để ý lắm. Chỉ đến khi tâm sự với mấy người bạn cùng cơ quan, theo lời khuyên của họ, tôi đưa cháu đi khám thì mới biết là cháu mắc chứng TK. Tôi hoang mang lắm bởi không hiểu rõ thế nào là trẻ TK”.
Trẻ TK rất hạn chế trong vấn đề giao tiếp xã hội. Trẻ thường không hiểu lời người khác và cũng không biểu đạt được ý nghĩ của mình nên hay nói những câu, từ vô nghĩa hoặc không ăn nhập với hoàn cảnh. Trẻ TK có những sở thích, thói quen kỳ lạ nên thường ứng xử không đúng với những chuẩn mực xã hội thông thường.
Đối với trẻ mắc bệnh TĐ thì lại có những biểu hiện ngược lại như không chú ý nhiều đến các chi tiết nhỏ nhặt, hay mắc lỗi do không cẩn thận trong học tập, trong công việc và các hoạt động khác. Đặc biệt, trẻ sẽ gặp khó khăn về khả năng tập trung trong học tập, vui chơi... Thậm chí, trẻ có xu hướng thích đánh bạn, chơi các trò chơi bạo lực.
Giúp trẻ hòa nhập
Cô giáo Vũ Hồng Hạnh, giáo viên chủ nhiệm khối lớp 1 tại trường Tiểu học Trưng Vương, Hà Nội, người vừa được tặng Bằng khen về sáng kiến kinh nghiệm loại B cấp thành phố với đề tài “Một số kỹ năng tạo cơ hội cho trẻ TK, TĐ hội nhập với môi trường giáo dục bình thường (Khối lớp 1)” chia sẻ: “Năm nào trong lớp tôi chủ nhiệm cũng có học sinh mắc chứng bệnh TK và TĐ. Riêng cá nhân tôi thật sự không muốn các học sinh của mình khi không may mắn bị TK hoặc TĐ phải học ở trường chuyên biệt, nếu như vậy các học sinh vẫn bị tách riêng ra thành nhóm trẻ khuyết tật và khó có thể có cơ hội hòa nhập cộng đồng”.
Theo cô giáo Hạnh, trong một tập thể lớp khoảng 46 học trò, chỉ cần có 1 đến 2 học trò mắc TK hoặc TĐ thì giáo viên sẽ rất khó khăn và các học sinh khác trong lớp gặp không ít trở ngại khi học chung với các bạn không may mắn như trên.
Nhiều phụ huynh có con bị TK, TĐ cũng không nói cho giáo viên biết tình trạng thực của con mình, chỉ trong quá trình dạy học, do giáo viên gần gũi với các con nhiều mới nhận ra điều đó.
Bằng kinh nghiệm của mình, cô giáo Hạnh cho rằng, để trẻ TK và TĐ hòa nhập được với các bạn bình thường khác cần phải tìm hiểu sở thích của trẻ, khi trẻ làm được tốt cần phải có sự khuyến khích động viên kịp thời, cần quan tâm chăm sóc trẻ nhiều hơn; có sự kết hợp chặt chẽ với bố mẹ.
Giáo viên cần dành thời gian phân tích cho các trẻ hiểu bằng hành động nhẹ nhàng, có những phần thưởng nho nhỏ mỗi khi các trẻ trở nên ngoan hơn và dễ hòa đồng cùng các bạn hơn. Bên cạnh đó, giáo viên phải dành thời gian để bổ sung thêm những kiến thức mà trẻ chưa nắm được do tiếp thu chậm. Cần theo dõi chặt chẽ ý hành động của trẻ, tránh để trẻ bị rơi vào tình trạng cô lập hoặc gây những hành động ảnh hưởng đến các bạn khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho rằng, bên cạnh vai trò của các giáo viên thì gia đình của trẻ cũng phải dành nhiều sự quan tâm chăm sóc hơn đối với trẻ TK, TĐ. Nếu phát hiện sớm thì việc điều trị cho trẻ sẽ dễ dàng hơn.
Phương Anh