Tỉnh Đắk Lắk hiện có 5.125 người bị nhiễm chất độc da cam/điôxin, trong đó có 3.796 người bị nhiễm trực tiếp. Phần lớn các gia đình nạn nhân chất độc da cam/điôxin gặp nhiều khó khăn về vật chất, chịu nỗi đau về tinh thần.
Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/điôxin. Hội đã phối hợp cùng các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân tham gia ủng hộ xây dựng quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam”, tiến hành rà soát các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam/điôxin trên địa bàn, các nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo để kịp thời trợ giúp.
Các cấp Hội đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Vào dịp lễ, Tết, các cấp Hội đã phát động các phong trào: “Vì nạn nhân chất độc da cam”, “Tết vì nạn nhân chất độc da cam”. Từ đầu năm đến nay, các cấp hội đã thăm hỏi, tặng quà cho 1.500 đối tượng, với tổng trị giá gần 500 triệu đồng. Hiện nay, đã có 1.466 nạn nhân chất độc da cam/điôxin trong tỉnh được nhận trợ cấp thường xuyên hàng tháng của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Đắk Lắk cũng phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh, Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ xây dựng 45 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho gia đình nạn nhân chất độc da cam/điôxin có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng 96 con bò cho các gia đình nạn nhân để chăn nuôi phát triển sản xuất; tổ chức khám chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình cho hơn 100 người…
Cùng với việc thường xuyên quan tâm, chăm sóc sức khỏe hội viên, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh Đắk Lắk còn phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, đã có gần 3.000 lượt gia đình hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin được vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng. Nhờ sự hỗ trợ của Hội, nhiều gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam đã phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, có cuộc sống ổn định.
Ông Ngô Song Hào, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Đắk Lắk cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí, nhưng bằng hoạt động thiết thực, hiệu quả. Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Đắk Lắk đã thực sự trở thành chỗ dựa cho các nạn nhân chất độc da cam nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Anh Dũng