Huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), là quê hương của nhiều loại hình văn nghệ dân gian xuất phát từ lao động, sinh hoạt của nhân dân như: Ca Trù, trò Kiều (có nơi gọi là chèo Kiều), hò Nghẹt... nhưng tiêu biểu nhất là trò Kiều.
Theo ông Nguyễn Ban, hậu duệ chi ất đời thứ VI của Đại thi hào Nguyễn Du, người đã dành nhiều công sức để khôi phục lại trò Kiều: Sau khi có Truyện Kiều, khoảng nửa thế kỷ sau, các loại hình văn nghệ dân gian dựa trên Truyện Kiều bắt đầu xuất hiện. Khoảng cuối thế kỷ XIX, ở vùng Bắc Nghệ An, Truyện Kiều được chuyển thể sang trò Kiều - sự kết hợp giữa hát tuồng và hát chèo Kiều kết hợp với diễn xuất, làm trò và các làn điệu khác như: Dân ca, ví Dặm Nghệ Tĩnh, ca Huế, ca Trù...
Trò Kiều đến với quê hương tác giả Truyện Kiều vào khoảng những năm 1920, tức 100 năm sau khi cụ Nguyễn Du qua đời, do người Đằng ngoài vào làm ăn rồi lập phường hát (người Hà Tĩnh gọi cư dân vùng Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu (Nghệ An) là người Đằng ngoài). Hát trò nghĩa là có hát, có diễn và có làm trò vui. Kịch bản của một vở trò Kiều được xây dựng dựa trên cốt Truyện Kiều và hầu như không thay đổi.
Trò Kiều phát triển mạnh mẽ nhất ở Nghi Xuân có lẽ là vào khoảng những năm 1957. Toàn huyện Nghi Xuân lúc đó có 6 xã có đội hát diễn trò Kim Vân Kiều: Tiên Điền, Xuân Thành, Cổ Đạm, Xuân Lĩnh, Xuân Liên. Trải qua hai cuộc chiến tranh, phong trào hát trò Kiều rời rạc rồi tan rã dần. Đến nay, Tiên Điền và Xuân Liên là hai địa phương có đội diễn trò Kiều còn tồn tại và đang được phát triển...
Về Tiên Điền quê hương cụ Nguyễn Du những ngày tháng 6, chúng tôi may mắn được gặp vợ chồng ông Nguyễn Mậu - tộc trưởng dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền và cũng là chủ nhiệm câu lạc bộ trò Kiều của xã. Tiếp chúng tôi khi vừa thu hoạch xong hai sào lạc, vất vả là thế nhưng khi được hỏi về trò Kiều, ánh mắt ông Nguyễn Mậu sáng hơn bao giờ hết, ông say sưa kể về cái duyên đến với trò Kiều, về niềm đam mê Kiều của người dân Tiên Điền và say sưa hát Kiều.
Ông Mậu kể rằng, thuở bé ông đã được xem trò Kiều trong những đêm diễn trò của đội văn nghệ xã. Niềm say mê những câu hát Kiều ngày bé vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của ông. Sau này, khi trò Kiều đã lùi về “dĩ vãng” trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân Nghi Xuân, ông vẫn tha thiết, mong mỏi khôi phục lại lối diễn trò đậm chất quê hương mình. Cho đến khoảng những năm 1997 - 1998, khi ông Nguyễn Ban gặp ông đặt vấn đề khôi phục trò Kiều. Sau ba tháng nghiên cứu, tìm hiểu, lựa chọn diễn viên, vào một đêm tháng chạp năm 2001, câu lạc bộ diễn vở đầu tiên. Câu lạc bộ trò Kiều xã Tiên Điền từ đó được thành lập với 16 thành viên do ông Mậu làm Trưởng ban.
Ông Mậu là người sưu tầm, viết kịch bản, dàn dựng; còn vợ ông, bà Trần Thị Phượng là người hát chính
trong câu lạc bộ. Bà Phượng chia sẻ, vai diễn khó nhất trong trò Kiều là vai Thúy Kiều, người thể hiện Thúy Kiều phải vừa có dáng đẹp và giọng hát hay. Nhân vật Thúy Kiều trong một vở trò Kiều phải thể hiện được 45 thứ giọng, vừa hát Xoan, hát Chèo, hát Bội, tấu mã, ngâm thơ, ca Huế... Nội dung một vở diễn thường không thay đổi, trung thành với Truyện Kiều nhưng cách hát có thể thay đổi theo tình cảm của từng người.
Theo bà Phượng, hát Kiều phải có hai người đối đáp thì mới hay, các vai diễn như: Kiều - Kim Trọng, Kiều - Thúy Vân, Kiều - Thúc Sinh, Hoạn Thư - Kiều... là những cảnh được người xem mong đợi nhất. Nhạc cụ phục vụ hát và diễn Kiều là trống và nhị. Đội trò xưa kia chủ yếu là đàn ông, do quan niệm phụ nữ mà diễn những vai như Thúy Kiều, Hoạn Thư, Tú Bà thì cuộc đời cũng sẽ gặp nhiều đau khổ, bất trắc. Mãi đến sau này, khoảng những năm giữa thế kỷ XX, phụ nữ mới bắt đầu tham gia vào đội trò.
Trò Kiều được gìn giữ đến ngày nay là nhờ niềm đam mê văn nghệ, ý thức giữ gìn một di sản quý báu của cha ông của người dân Nghi Xuân. Năm 2012, vợ chồng ông Mậu, bà Phượng vinh dự được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian.
Theo bà Phượng, để xây dựng nên một hình tượng cô Kiều là rất khó và đòi hỏi sự cố gắng của bản thân diễn viên cũng như công phu của người dìu dắt. Vài năm trở lại đây, cứ đào tạo được “một cô Kiều cho ra Kiều” thì cô ấy lại đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm ăn xa. Ông Nguyễn Mậu hồ hởi cho biết, mừng quá cháu ạ, năm ni cô Kiều Trần Thị Giang, đi xuất khẩu lao động bên Nga đã trở về rồi, không biết có bỏ trò Kiều mà đi nữa không?... Thiếu kinh phí, thiếu nghệ nhân... là những nguyên nhân khiến trò Kiều đứng trước nguy cơ mai một.
Tuy nhiên, để những câu Kiều còn mãi ngân xa trên quê hương cụ Nguyễn Tiên Điền, cần có chính sách phù hợp nhằm bảo tồn và phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian này, sự hỗ trợ về kinh phí tập luyện để các diễn viên có thể “toàn tâm, toàn sức” gìn giữ bảo tồn di sản văn hóa đầy giá trị nhân văn của quê hương.
Bài và ảnh: Hoàng Ngà