Giáo dục hướng nghiệp vẫn chưa hiệu quả

Hoạt động giáo dục hướng nghiệp không chỉ góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh mà còn hỗ trợ cho việc phân bổ nguồn nhân lực một cách hợp lý, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác hướng nghiệp này vẫn còn nhiều bất cập.


Thiếu giáo viên chuyên trách


Theo đánh giá của Trung tâm Lao động hướng nghiệp (Bộ GD &ĐT), hiện công tác hướng nghiệp cho học sinh trong nhà trường vẫn chưa hiệu quả, ít có tác động đến việc lựa chọn ngành nghề tương lai của các em. Hậu quả là hàng năm hầu như tất cả học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đều dồn vào thi đại học, và chỉ có 20% trúng tuyển. 80% còn lại mất định hướng trong nghề nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng nguồn cung cấp lao động “thừa thầy, thiếu thợ”.

Công tác hướng nghiệp chưa triển khai một cách mạnh mẽ dựa trên tình hình thực tế cũng như nhu cầu của xã hội.


Ông Phạm Đăng Khoa, Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận: Trong những năm gần đây, hoạt động hướng nghiệp ở các trường tại TP Hồ Chí Minh ngày càng khởi sắc hơn, thông qua các hoạt động như: Dạy nghề, ngày hội tuyển sinh hướng nghiệp, hoạt động ngoại khóa, giáo dục hướng nghiệp... Tuy nhiên, hoạt động này vẫn gặp một số khó khăn như: Thiếu đội ngũ chuyên gia am hiểu về tâm lý học hướng nghiệp, thiếu thông tin thị trường lao động, công tác giáo dục hướng nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp.


TS. Nguyễn Ngọc Tài, Viện Nghiên cứu Giáo dục cho rằng: Hiện nay, giáo viên ở các trường THCS, THPT không có hoặc có rất ít kiến thức về giáo dục hướng nghiệp. Giáo viên còn nhầm lẫn giữa việc học các tiết kỹ thuật trong trường là giáo dục hướng nghiệp. Nhiều trường không có giáo viên chuyên trách, vì vậy những giáo viên nào còn thiếu giờ dạy sẽ được phân bổ dạy môn giáo dục hướng nghiệp. Bên cạnh đó, các trường sư phạm ở phía nam hầu như không đào tạo giáo viên chuyên trách về giáo dục hướng nghiệp, vì vậy nguồn giáo viên chuyên về hướng nghiệp không có, dẫn tới việc hướng nghiệp cho học sinh sẽ không có chất lượng.


Hiện công tác hướng nghiệp với các loại hình hoạt động như tư vấn, trắc nghiệm... còn quá mỏng, chưa thật sự phân bố đồng đều đến tất cả các học sinh, chưa triển khai một cách mạnh mẽ dựa trên tình hình thực tế cũng như nhu cầu của xã hội. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP Hồ Chí Minh, hiện nay hầu hết các trường đều tổ chức công tác hướng nghiệp. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa được đồng bộ, mỗi trường làm một kiểu.


Chỉ mang tính hình thức


Theo GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng, Bộ GD &ĐT, công tác hướng nghiệp rất quan trọng, giúp định hướng và phân bổ nguồn lực lao động. Tuy nhiên, thực tế hiện nay công tác hướng nghiệp trong nhà trường còn chưa được chú trọng, mang tính hình thức. Học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học không biết được mình nên làm gì, chỉ biết thi đại học hoặc cao đẳng nên dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Không được định hướng nghề nghiệp sinh viên vào học thấy không hứng thú với ngành nghề dẫn đến tình trạng học không tập trung, học cho có và việc sinh viên ra trường không làm được việc là tất yếu.


"Chính vì hoạt động hướng nghiệp chưa hiệu quả, dẫn đến hiện tượng đa số học sinh không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, nên khi rớt đại học, đã chọn “đại” một ngành, một trường để học, dẫn đến mất cân đối ngành nghề nghiêm trọng trên thị trường lao động", ông Trần Anh Tuấn nhận xét.
Theo PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, chuyên gia tâm lý, giáo dục hướng nghiệp cần phải xuyên suốt, không chỉ bắt đầu ở cuối cấp THCS và kết thúc khi học sinh lựa chọn được khối thi và ngành thi, mà ở các trường cao đẳng, đại học, công tác này cũng phải được quan tâm. Bởi khi mục tiêu nghề nghiệp không rõ ràng, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể dễ nhận việc, nhưng khi gặp khó khăn hoặc những điều kiện không phù hợp, họ cũng dễ bỏ việc. Tuy nhiên, công tác hướng nghiệp ở các trường cao đẳng, đại học lại không được quan tâm.


Trong khi đó, ông Phạm Đăng Khoa cho rằng: Để hoạt động giáo dục hướng nghiệp được hiệu quả cần xây dựng hệ thống giáo dục mở, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục hướng nghiệp, các trường sư phạm phải đào tạo về giáo viên chuyên ngành giáo dục hướng nghiệp. Bên cạnh đó, nên lồng ghép nội dung giáo dục hướng nghiệp vào hoạt động ngoài giờ, khi tổ chức hoạt động hướng nghiệp tại các trường nên mời cả phụ huynh học sinh cùng tham gia vì trên thực tế, việc chọn nghề của học sinh phụ thuộc rất nhiều vào ý kiến và mong muốn của phụ huynh.

Đan Phương - Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN