Nhiều năm qua tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, tình trạng lén lút trồng cây thuốc phiện vẫn xảy ra. Trong đó, hầu hết diện tích tái trồng cây thuốc phiện của huyện đều tập trung tại địa bàn xã Tà Tổng.
Nhổ chỗ này, trồng chỗ khác
Xã Tà Tổng là xã có diện tích tự nhiên rộng nhất trên địa bàn huyện Mường Tè, với gần 55,5 nghìn ha. Do địa hình toàn núi cao hiểm trở nên dân cư thưa thớt, chỉ có 709 hộ dân. Trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 94%, dân tộc Hà Nhì chiếm 5%, còn lại là người Kinh và Mường.
Lực lượng chức năng triệt phá một đám nương trồng cây thuốc phiện đã ra hoa ở xã Tà Tổng. |
Ông Sùng A Chứ, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Tà Tổng cho hay: “So với những năm trước 2011, tỷ lệ trồng cây thuốc phiện trên địa bàn xã đã giảm nhiều nhưng tình trạng gieo trồng cây thuốc phiện vẫn tồn tại. Năm nào cũng vậy, một năm hai lần xã cùng các cơ quan chức năng huyện tổ chức triệt phá, khi người dân mới gieo hạt lên mầm và một lần nữa khi những cây còn sót lại tới mùa ra hoa”.
Qua hai đợt triệt phá vào tháng 3/2014, xã Tà Tổng đã phá nhổ được 55.000 m2 cây thuốc phiện. Thế nhưng, theo ông Sùng A Chứ, rất khó để xử lý triệt để. “Những nương thuốc phiện được trồng ở nơi rất xa xôi, hẻo lánh. Có những đám nương phải đi bộ đến 2 ngày trong rừng mới đến được. Lúc chính quyền phát hiện ra cũng không biết là của ai trồng và đất nhà ai. Chúng tôi chỉ biết phun thuốc diệt cỏ, rồi đốt. Số người dân bị bắt quả tang tại nương đa phần là những người nghiện rất nặng, lại cao tuổi, sức yếu”.
Trong khi đó quy định về xử lý hành vi trồng cây thuốc phiện chưa đủ sức răn đe. Theo quy định tại Điều 192 của Bộ luật Hình sự năm 1999, để xử lý về mặt hình sự đối với người trồng cây thuốc phiện thì người đó phải được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Để làm được điều này trong điều kiện địa bàn rộng lớn, địa hình đồi núi hiểm trở như Tà Tổng là một vấn đề không dễ.
Tái nghiện
Ông Sùng A Chứ cho biết: “Số người nghiện trên địa bàn xã Tà Tổng khá cao với 206 đối tượng và chủ yếu là người già. Từ năm 2011 - 2013, xã Tà Tổng đã tổ chức nhiều đợt cai nghiện tập trung cho các đối tượng nghiện nhưng cứ cai xong về nhà là lại tái nghiện”.
Cây thuốc phiện được trồng ở những nơi cách xa bản đến 2 ngày đường rừng, nên việc phát hiện bắt quả tang các đối tượng trồng rất khó khăn. |
Ông Vàng Suông Lìn, Trưởng bản Cô Lô Hồ cho biết: “Bản Cô Lô Hồ có nhiều người nghiện nhưng chúng tôi chỉ nắm được một số. Vì họ dựng lán ở trong rừng, rất ít khi về nhà. Ở nhà chủ yếu là những người già, những người nghiện hàng chục năm nay”.
Ông Mùa A Dơ ở bản Cô Lô Hồ chưa đến 60 tuổi nhưng người khô quắt lại, già khọm. Ông đã có thâm niên nghiện thuốc phiện 30 năm. Ba đứa con trai của ông là Mùa A Sình, Mùa A Di, Mùa A Vư cũng nghiện thuốc phiện như bố. Đến nay, cả ba người con của ông Mùa A Dơ bỏ đi đâu không ai biết. Chỉ còn con dâu và mấy đứa trẻ nheo nhóc ở nhà. Ngày ngày, ông đi xin quanh bản những sái thuốc phiện về hút lại. Ông bảo: “Nghiện thuốc phiện khổ lắm, tôi cũng bảo mấy đứa con nó phải đi cai thuốc rồi đấy nhưng chúng nó cứ bảo từ từ rồi mãi chả cai được”.
Theo ông Sùng A Chứ, để tránh sự truy quét của cơ quan chức năng, nhiều đối tượng nghiện lánh hẳn vào rừng sâu dựng lán sống, rồi trồng cây thuốc phiện để hút. Khi lực lượng tìm đến thì họ lại lẩn trốn vào sâu hơn nữa. Đi đến đâu, gieo hạt thuốc phiện đến đó, cứ thế họ sống gần như tách biệt với bản làng.
Làm sao để xóa sổ cây thuốc phiện vĩnh viễn vẫn là một bài toán khó đối với cơ quan chức năng nơi đây. Ông Sùng A Chứ cho biết thêm: “Bước đi tiếp theo của xã là song song giữa xóa đói giảm nghèo và triệt phá hoàn toàn cây thuốc phiện. Một mặt phải vận động, tuyên truyền bà con không tái trồng cây thuốc phiện. Mặt khác là phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao năng suất bằng cách áp dụng các giống lúa lai. Hiện nay, xã đang có nhiều thuận lợi để chăn nuôi phát triển đàn gia súc. Chúng tôi cũng đang có hướng phát triển trồng cây su su, một giống cây thích hợp với khí hậu ở Tà Tổng. Hướng tới năm 2015, xóa trắng cây thuốc phiện ở đây”.
Bài và ảnh: Minh Đức