Gian nan công tác khám chữa bệnh vùng biển, đảo - Còn nhiều bất cập

Hiện nay, mạng lưới y tế biển, đảo rất rời rạc, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của công tác chăm sóc sức khỏe cho các lao động và cư dân đang sinh sống tại khu vực này.

Thuyền viên chưa được trang bị kiến thức sơ cấp cứu ban đầu, các phương tiện lưu thông trên biển thiếu thốn thuốc men và các thiết bị cấp cứu cần thiết. Trong khi đó ở trên bờ, các cơ sở y tế rất thiếu nhân lực, trang thiết bị phù hợp với cơ cấu bệnh tật vùng biển, đảo. Phương tiện cấp cứu bệnh nhân từ biển, đảo ra đất liền lại quá ít và thô sơ… Đó là “bức tranh” tối màu về công tác khám chữa bệnh cho cư dân tại vùng biển, đảo.

Run rủi mệnh trời

“Trước mỗi lần đi biển, chúng tôi đều tổ chức họp, yêu cầu anh em đủ sức khỏe mới được ra khơi. “Nhà tàu” cũng chuẩn bị một số thuốc men (trị giá khoảng 200.000- 300.000 đồng (thuốc cảm, cao, viên sủi…). Khi anh em gặp sự cố trên biển như bị đau bụng, đau dạ dày, gãy tay, chân…, chúng tôi sơ cứu đơn giản, rồi căn tọa độ nào gần nhất có cơ sở y tế thì cho tàu vào, để kịp thời cứu chữa cho anh em”, ông Phạm Văn Hởi, chủ tàu số hiệu V1022, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, cho biết.

Khám, cấp phát thuốc chăm sóc sức khỏe cho các thai phụ ở xã vùng biển Gio Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN


Ông Hởi đi biển từ năm 13 tuổi, tới nay đã có 30 năm kinh nghiệm trong nghề. Ấy thế nhưng cho đến giờ ông Hởi cũng chưa được học một lớp nào về việc xử lý các tai nạn trên biển. Kinh nghiệm mà ông Hởi và các thuyền viên khác có được đều là do tự học, kiểu “cha truyền con nối”. Vậy nên, ông Hởi rất mong mỏi được tham gia các lớp tập huấn xử lý sự cố tai nạn trên biển. “Bên cạnh đó, cần đầu tư hơn nữa cho y tế vùng biển, đảo. Chứ đợi được đến khi vào đất liền để cấp cứu, điều trị bệnh thì có lẽ còn nhiều ca bệnh bị tử vong “oan”. Thực tế, lắm khi gặp sự cố, chúng tôi phải đi mất 10- 20 tiếng mới vào được đảo gần nhất để được hỗ trợ về y tế. Trong khi đó, cơ sở y tế trên nhiều đảo cũng chỉ cấp cứu đơn giản, không thể tiến hành phẫu thuật ngay được…”, ông Hởi chia sẻ.

Anh Đặng Thế Công, một thuyền viên của tàu 90219 kể: “Một lần tôi bị đau bụng dữ dội. Chủ tàu đã cho tàu quay về ngay, nhưng lúc đó quả thực tôi vô cùng lo lắng, nghĩ thôi đành phó thác số mệnh cho trời, vì để đến được nơi có cơ sở y tế gần nhất thì cũng mất 20 tiếng... May sao, lần đó tôi cũng qua khỏi ”.

Tuy nhiên, không phải bất kỳ thuyền viên nào cũng được may mắn như anh Công, chỉ riêng một tập đoàn đánh cá xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng từ năm 2002 – 2007 đã có 25 trường hợp tử vong trên biển do các tàu thiếu người có kỹ năng sơ cứu, không có thuốc men và không cấp cứu kịp thời.

“Theo quy định, các thuyền viên bắt buộc phải qua một khóa đào tạo về cấp cứu ban đầu trên biển và khám định kỳ trước khi đi biển. Các tàu được trang bị tủ thuốc, thiết bị y tế, nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng và sức khỏe cho chính các thuyền viên. Tuy nhiên, mỗi lần chúng tôi tập huấn về cấp cứu ban đầu thì không một thuyền viên nào đi. Kêu gọi họ đi khám thì càng khó hơn, họ sợ khám thì ra bệnh gì đó sẽ không được đi biển nữa. Thực tế, do quan hệ tình dục không an toàn nên có một số thuyền viên bị phát hiện mắc AIDS”, một bác sĩ, Viện Y học biển Việt Nam khẳng định.

Đối với việc chăm sóc sức khỏe cho các thuyền viên công tác trong các ngành kinh tế biển (hàng hải, thủy sản, du lịch…), tình hình cũng không sáng sủa hơn. “Từ sau năm 1990, khi đất nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường thì hầu hết các cơ sở y tế của các ngành kinh tế biển về cơ bản đã bị phá vỡ và gần như không còn hoạt động. Hiện nay, chức danh BS trên các tàu của ngành Hàng hải không còn nữa”, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Viện trưởng Viện Y học biển VN, cho hay.

Theo Công ước quốc tế, các tàu đi biển hiện nay nếu không có bác sỹ thì phải đào tạo y học biển cho sỹ quan boong để thay thế, nhưng hiện nay trừ Công ty VOSCO, còn lại tất cả đều không có sỹ quan đạt chuẩn để phụ trách công tác y tế trên tàu. Mặt khác, do các quy định về trang thiết bị, thuốc men cung cấp cho tàu theo quy định quốc tế không được thực hiện nghiêm nên nhiều thuyền viên đã bị tử vong hoặc phải chịu những biến chứng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

“Lênh đênh” mạng lưới y tế biển

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Viện trưởng Viện Y học biển VN: Để đảm bảo sự an toàn cho ngư dân đi biển, cần triển khai ngay 2 hoạt động. Một là huấn luyện cho các thuyền viên, những người đi biển kỹ năng cấp cứu trên biển, phòng khi xảy ra ốm đau, tai nạn thì có thể tự cứu lẫn nhau. Để thực hiện được việc này, chỉ cần các lãnh đạo địa phương, ngành thủy sản, quan tâm và phối hợp chặt với cơ sở y tế. Hai là, mỗi tàu đi biển cần trang bị tối thiểu về y tế để xử lý những tình huống thường gặp. Tốt nhất là hướng dẫn các chủ tàu phải tự trang bị tủ thuốc trên tàu hoặc có thể tìm nguồn hỗ trợ từ quỹ nhân đạo...

“Đến nay, chúng ta chưa có mô hình tổ chức chức mạng lưới y tế biển, đảo đặc thù phù hợp với điều kiện tự nhiên, sự phân bố dân cư và điều kiện xã hội trên tuyến biển, đảo. Mô hình y tế hiện tại vẫn là áp dụng mô hình y tế của đất liền, đó là mô hình tổ chức không hoàn toàn phù hợp với thực tiễn biển, đảo”, một đại diện của Bộ Y tế thừa nhận.

Do khoảng cách địa lý, điều kiện đi lại khó khăn, phân bố dân cư thưa thớt, nên việc bố trí mạng lưới y tế tại các đảo đang gặp nhiều khó khăn. Lực lượng cán bộ y tế tại khu vực biển, đảo vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn. Chính sách khuyến khích cán bộ y tế ra công tác tại vùng biển, đảo chưa có sức thu hút. Tổ chức các cơ quan y tế cấp huyện, xã còn rất nhiều bất cập, có những huyện đảo chỉ có 1 - 3 bác sỹ nhưng phải đảm nhận cả Bệnh viện đa khoa, Trung tâm y tế, Phòng Y tế, An toàn vệ sinh thực phẩm... Cơ cấu trang thiết bị chưa hợp lý, nơi thì thiếu thốn, nơi lại quá khả năng sử dụng của cán bộ y tế.

Trong khi đó, công tác vận chuyển người bị thương bị nạn trên biển gặp rất nhiều khó khăn do thiếu phương tiện vận chuyển, cấp cứu, đặc biệt là thiếu phương tiện chuyên dụng. Do đã qua nhiều năm sử dụng, các phương tiện vận chuyển trên biển của nhiều bộ, ngành đều không có trang thiết bị cấp cứu hoặc có thì cũng rất sơ sài. Nhiều thuyền viên chưa được huấn luyện đầy đủ về y tế nên trong quá trình tham gia tìm kiếm cứu nạn, việc cấp cứu cho nạn nhân bị hạn chế rất nhiều, đôi khi tìm kiếm, vớt được nhưng lại không cứu được.

Đặc biệt, việc vận chuyển bệnh nhân từ đảo ra tàu hoặc từ tàu vào đảo vẫn sử dụng các phương tiện thô sơ như xuồng, thuyền nhỏ, mủng. Còn từ biển, đảo vào đất liền, người dân thường phải thuê tàu cá (công suất nhỏ, tốc độ chậm, độ an toàn thấp…), nhiều trường hợp vì vậy đã tử vong ngay trên đường cấp cứu.

Thực tế này đòi hỏi ngành y tế sớm xây dựng một mạng lưới y tế biển, đảo vững chắc với mô hình phù hợp, đầy đủ trang thiết bị và cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành y học biển. Có như vậy, người lao động, cư dân sinh sống tại các vùng biển, đảo mới yên tâm sống và làm việc, góp phần xây dựng kinh tế và bảo vệ bờ cõi của đất nước.

Phương Liên

“Cần tăng cường đầu tư cho y tế biển, đảo”

TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trao đổi với Tin Tức về các giải pháp để sớm “cải thiện” mạng lưới y tế vùng biển, đảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN