Giàn bầu của mẹ

Xa quê đã bao mùa mưa nắng, bao mùa cây trái trong vườn của mẹ đơm hoa kết trái, song, in sâu trong kí ức của con, giàn bầu của mẹ cứ chập chờn, xanh mát và gọi con về trong nỗi nhớ tuổi thơ.

Vào tiết trời tháng Giêng, tháng Hai ấm áp, mẹ gieo hạt bầu để chuẩn bị cho kịp với mùa. Mẹ chọn và đào hom đất tốt, mềm và tơi xốp để trồng bầu. Mẹ lót cho gốc bầu nhiều phân, rác mục và cả quây rào xung quanh cho cây bầu yên tâm xanh tốt. Mẹ lấy hạt giống đựng trong quả bầu khô để trên gác bếp đã đen muội khói từ mùa trước rồi chọn những hạt chắc, đều đem đi gieo vào đúng tiết trời ấm áp. Mẹ bảo, trước khi gieo hạt bầu, ai muốn xin cũng không được cho bởi nếu cho trước khi trồng, bầu sẽ chỉ mọc dây mà không có quả. Sau khi gieo hạt xong, mẹ mới đem hạt phân chia cho bà con trong xóm. Năm nào cũng thế, hạt giống được mẹ giữ gìn và ươm mầm như thế.

Đến tháng Tư, tiết trời bắt đầu chuyển sang hè, dây bầu của mẹ bén rễ, ăn đất mùn và nước mát bắt đầu xanh tốt. Ở quê đất rộng nên có thể đặt giàn bầu ở mọi nơi. Nhưng đã thành lệ, năm nào mẹ cũng bắc giàn ở trước sân nhà để vừa lấy bóng mát, vừa có thể chăm sóc bầu tốt hơn. Có năm mẹ đặt giàn ngay cạnh cầu ao, cho bầu leo vươn ra xa mặt nước. Mẹ bảo chúng tôi rằng, bầu khi soi bóng xuống nước quả sẽ to hơn, ra nhiều hơn lại tránh được sâu bọ. Hàng ngày, bọn trẻ chúng tôi múc nước tưới cho mấy gốc bầu của mẹ vào mỗi buổi chiều.

Giàn bầu mỗi ngày thêm xanh tốt, ngọn mập mạp, lá xanh mỡ màng và tươi mát. Từ những nách của dây bầu, những cánh tay óng ả mơn mởn của nó vươn xa bắt nhanh và cuốn vào thân những cành tre, cành nứa trên giàn. Lá bầu xanh ngắt được phủ lên lớp lông mịn như nhung, sờ vào thấy êm tay lạ lùng. Chỉ độ nửa tháng sau, từ thân nách của dây, những nụ hoa lú nhú chuẩn bị chào đời. Lúc đầu e ấp sau vòng tay của lá rồi mạnh dạn hơn nở cho kỳ hết. Hoa bầu màu trắng, cánh mỏng manh.Cả giàn bầu sau một tuần tràn ngập sắc trắng của hoa.

Thế là một mùa bầu đã đến, mẹ nhìn lên giàn mỗi sáng thức dậy lòng tràn ngập niềm vui về một vụ bầu bội thu. Chúng tôi biết, mẹ luôn mát tay khi trồng cây trái, hoa màu trong vườn nhà. Cây gì mẹ trồng quả cũng sai, hoa lá xanh tốt. Chẳng thế mà chỉ cần một tuần thụ phấn, lũ bầu con đã ló mình ra từ những kẽ lá xanh. Lúc đầu, chúng lăn lóc như những chú lợn con nằm vắt mình trên giàn, bụng vẫn còn mang “rốn”. Chúng tôi không dám đếm sợ bầu phải vía sẽ bị rụng, chỉ biết, mỗi nách của dây lại đeo một chú bầu con mỡ màng, óng ả đến ngon mắt. Chỉ vài ngày sau, hình như chúng bắt đầu “tự lập”, không nằm trên giàn nữa mà buông mình xuống không trung để phát triển chiều dài. Quả bầu lớn nhanh như thổi, một ngày, hai ngày, bầu cứ dài mãi cho đến khi gần chạm đất. Có quả dài như chiếc đòn gánh của mẹ vậy. Mẹ bảo bầu có nhiều loại, nào là bầu dài, bầu nậm rồi bầu tròn, mỗi loại có dáng hình khác nhau, vị ngon khác nhau nên mỗi năm, mẹ trồng một loại cho thay đổi. Có năm, giàn bầu nậm của mẹ sai quả, quả buông xuống nhìn như những chiếc hồ lô đựng rượu của tiên ông ngày xưa. Rồi có năm, mẹ lại trồng bầu tròn, quả có màu xanh nhạt, mỡ màng, tròn lăn lóc trên giàn. Giống bầu dài được mẹ giữ và trồng mãi. Quả nó dài và mỡ màng, nếu nhà ít người ăn một quả không hết, có thể cắt từng đoạn ăn dần mà quả vẫn tươi. Và năm nào cũng vậy, mẹ để ý và chọn quả bầu nào ra đầu tiên của giàn để làm giống cho mùa sau. Quả bầu giống được mẹ đeo cho một chiếc rọ bảo vệ cho khỏi sâu bọ và gió mạnh quật đứt.

Mùa bầu, mẹ cho chúng tôi thưởng thức những món ăn quê đậm đà dư vị. Ngày hè nóng bức, mẹ cắt trái bầu đang độ mềm, để nguyên cả vỏ và ruột, băm nhỏ rồi nấu canh với cua đồng, bát canh vì thế mà ngọt lừ. Có khi mẹ lại giã tôm để nấu với bầu ăn ngon không kém. Rồi mẹ còn chế biến nhiều món như bầu xào, bầu luộc, ngọn bầu cũng được mẹ tước bỏ xơ xào với tỏi ăn ngon lạ lùng. Những trưa hè nóng bức, cả nhà dọn cơm ra sân ngồi ăn dưới giàn bầu cho mát.

Bầu sai quả, vào mỗi buổi chợ phiên, mẹ cắt bầu gánh đi chợ bán. Tuy bán chẳng được bao nhiêu nhưng mùa nào mẹ cũng làm vậy như để gìn giữ cái giống rau quả của quê mình từ bao đời nay đã gắn bó với đồng đất, với người dân. Chúng tôi đúc bầu vào giỏ, khiêng đi giúp mẹ, quả bầu dài kĩu kịt trên con đường làng.

Mỗi đêm khuya, gió mát từ chiếc quạt cọ của bàn tay mẹ, tay bà, gió thổi vi vu từ giàn bầu trước sân, chúng tôi nhớ như in và thao thức mỗi khi nghe lời ru của mẹ: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn...”.

N.T.L
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN