Ngành y tế tỉnh Gia Lai đang triển khai thực hiện Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, nhằm đảm bảo sớm phát hiện và điều trị có kết quả các bệnh dị tật cho trẻ, góp phần nâng cao chất lượng dân số ở địa phương. Sau 4 năm thực hiện đề án, đã có hàng ngàn mẫu máu lấy từ gót chân trẻ sơ sinh để xét nghiệm và hàng ngàn bà mẹ mang thai được siêu âm sàng lọc; qua đó phát hiện hàng trăm trường hợp mắc dị tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh như bệnh thiểu năng tuyến giáp, hội chứng down, suy giáp trạng bẩm sinh... Sau khi phát hiện các bệnh dị tật thông qua sàng lọc trước sinh và sơ sinh, các bác sĩ đã thực hiện các biện pháp can thiệp kịp thời đối với những bệnh có khả năng chữa được, đồng thời tư vấn tâm lý cho bà mẹ và gia đình yên tâm điều trị lâu dài đối với những trường hợp mắc bệnh nặng.
Khám và chữa bệnh cho trẻ em tại huyện Krông Chro, Gia Lai. Ảnh: baogialai.vn |
Ngành y tế tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân về việc giảm thiểu nỗi đau dị tật cho trẻ sơ sinh thông qua Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, nhất là trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ý thức của các bà mẹ đang ngày càng được nâng cao và chủ động đến các cơ sở y tế để khám thai, lấy máu xét nghiệm cho trẻ sơ sinh.
Ngành cũng đã phối hợp với các Bệnh viện Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Y Dược Huế tổ chức tập huấn chuyên môn cho hàng trăm y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện tuyến huyện, thị xã, thành phố về siêu âm, chẩn đoán thai nhi trước sinh cho các bà mẹ, xét nghiệm máu cho trẻ sơ sinh; đồng thời thực hành tư vấn truyền thông về giáo dục sức khỏe sinh sản.
Trong năm 2013, Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh được mở rộng và tiếp tục thực hiện tại 78 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Mới đây, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã An Khê, xã Ayun Pa và huyện Chư Sê đã thực hiện lấy 237 mẫu máu ở trẻ sơ sinh để sàng lọc. Qua xét nghiệm đã phát hiện 13 ca nghi ngờ mắc các bệnh thiểu năng giảm tuyến giáp và 2 ca thiếu men G6PD.
Bác sĩ Đinh H'Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình khẳng định: Hiệu quả của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã rõ, song điều khó nhất là các bà mẹ người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn chưa nhận thức đúng về vấn đề này. Nhiều bà mẹ vẫn chưa đến khám thai, cũng như sinh đẻ tại các cơ sở y tế - đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà trong thời gian tới, công tác tuyên truyền, vận động cần đẩy mạnh hơn.
Văn Thông