Khách quan đánh giá, dân di cư tự do (DCTD) từ các tỉnh phía Bắc đến các tỉnh Tây Nguyên đã góp phần bổ sung lực lượng lao động, khai thác triệt để quỹ đất hoang hóa, phổ biến phương pháp và kỹ thuật sản xuất tiến bộ cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa. Tuy nhiên, gần 50% số dân DCTD đến các tỉnh Tây Nguyên không kiểm soát được đã gây mất ổn định, tác động tiêu cực đến tình hình địa phương. Đó là làm tăng tỷ lệ hộ nghèo, tăng tình trạng chặt phá rừng lấy gỗ và đất làm nương rẫy, tranh chấp đất đai, gia tăng tình trạng truyền đạo và sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật.
Thực trạng báo động
Theo báo cáo của Vụ Địa phương II (Ủy ban Dân tộc), số dân DCTD từ các tỉnh phía Bắc đến Đắk Lắk trong 10 năm gần đây là trên 11.500 hộ, với hơn 59.000 khẩu (mỗi năm có trên 1.150 hộ), trong đó đồng bào DTTS chiếm 80% tổng số dân DCTD (dân tộc Mông 3.730 hộ, Nùng 2.547 hộ, Tày 2.134 hộ, Dao 856 hộ). Mặc dù số dân DCTD lớn như vậy, nhưng đến thời điểm này các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk mới chỉ đăng ký tạm trú được cho 7.688 hộ/11.427 khẩu, số còn lại chưa quản lý được.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử thăm và tặng quà cho bà con các dân tộc xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. |
Tỉnh Đắk Nông cũng rơi vào tình trạng tương tự. Từ năm 1996 đến 2010 số dân DCTD đến tỉnh là trên 22.600 hộ/105.210 khẩu, bình quân mỗi năm có 1.614 hộ. Đến nay Đắk Nông đã ổn định cho 10.671 hộ/49.342 khẩu, còn lại gần 12.000 hộ chưa ổn định cuộc sống, trong đó có gần 1.200 hộ với hơn 5.000 khẩu đang sống trong các khu rừng. Riêng tỉnh Lâm Đồng, số dân DCTD đến địa bàn so với Đắk Lắk và Đắk Nông có phần ít hơn. Trong giai đoạn 2005-2009, Lâm Đồng có 2.185 hộ/8.953 khẩu di cư đến địa bàn, trong đó dân tộc Kinh 1.484 hộ/2.403 khẩu, dân tộc thiểu số 701 hộ/6.550 khẩu.
Ông Vũ Kim Sinh, Bí thư Huyện ủy Đam Rông (Lâm Đồng), cho rằng: Một thực tế cho thấy số hộ dân DCTD đến nơi ở mới sinh sống và sản xuất ổn định nhưng chưa được đăng ký thường trú. Nguyên nhân là họ di cư đến nhiều nơi, nhiều vùng khác nhau, có lúc họ ở địa phương này, có lúc lại chuyển đến địa phương khác nên rất khó quản lý. Từ đó dẫn tới việc phá vỡ quy hoạch, kế hoạch và gây khó khăn cho công tác quản lý nhân khẩu tại địa phương, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của huyện Đam Rông nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Rõ ràng tình trạng dân DCTD không kiểm soát được đã gây nên những tác động tiêu cực như: Làm tăng tỷ lệ hộ nghèo, tăng tình trạng phá rừng lấy gỗ và lấy đất làm nương rẫy, tranh chấp đất đai… Trong khi đó việc bố trí, sắp xếp ổn định dân DCTD còn đạt tỷ lệ thấp, số hộ dân được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước chưa nhiều. Nhiều hộ dân chưa được ổn định về hộ khẩu, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư của Nhà nước ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa còn hạn chế dẫn đến việc hưởng lợi của dân DCTD ít hơn so với đồng bào dân tộc tại chỗ.
Chủ tịch UBND xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk Cao Kỳ Tuyết, cho biết: Theo chuẩn nghèo mới thì Ea Dăh hiện còn 950 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 59,2% dân số toàn xã, số hộ cận nghèo trên 190 hộ; trong đó số hộ DTTS nghèo còn 653 hộ. Nguyên nhân một phần cũng là do đất đai thổ nhưỡng khó khăn, trình độ tập quán sản xuất còn thấp… nên dù có cố gắng đến mấy thì tình trạng đói nghèo của Ea Dăh khó mà giảm nhanh và bền vững được.
Đâu là giải pháp bền vững?
Để nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, ổn định đời sống dân DCTD, một mặt Nhà nước tiếp tục đầu tư cho đồng bào thông qua các chính sách, như: CT 135, CT 134, CT 167 ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục hỗ trợ về cây, con giống, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là kinh nghiệm sản xuất lúa nước. Tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi trên địa bàn để người dân tự sản xuất được lúa nước, tự chủ được lương thực giải quyết được vấn đề thiếu đói về lương thực.
Ông Phạm Minh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng, cho rằng: Khó khăn của bà con lúc này là tình trạng thiếu đói giáp hạt, nên vấn đề ổn định đời sống cho dân DCTD sản xuất tự chủ được lương thực là cần thiết. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để bà con tự túc được lương thực? Câu trả lời rằng, chỉ còn cách là làm lúa nước, còn các cây trồng khác như đậu mè, ngô… thì rất khó đảm bảo an ninh lương thực. Nguyên nhân là do đất đai ở Ea Dăh là đất đồi dốc, khó canh tác và chỉ một, hai vụ là đất bạc màu vì thiếu chăm sóc. Đồng bào mong muốn Nhà nước đầu tư các công trình thủy lợi trên địa bàn để bà con tập trung canh tác lúa nước 2-3 vụ/năm. Bên cạnh đó, các chương trình về nhà ở, như CT 134, 167 Nhà nước đã đầu tư nhiều nhưng do hoàn cảnh khách quan là đồng bào tách hộ, bà con làm ăn không thuận lợi nên vấn đề thiếu nhà ở vẫn còn xảy ra. Về giao thông miền núi, Krông Năng mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư để cải thiện giao thông nông thôn miền núi, bởi ở một số địa phương về mùa mưa lũ bị chia cắt, không đi lại được.
Trong chuyến thực tế tại các tỉnh Tây Nguyên mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, cho rằng: Ea Dăh là một xã có đặc thù với gần 100% đồng bào DCTD từ nơi khác đến, nên nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền là sớm ổn định sắp xếp dân cư là nhiệm vụ đặc biệt. Xã không có người tại chỗ mà chủ yếu là dân di cư có tới 11 dân tộc, trong đó có những dân tộc có dân số đông như: Tày, Nùng, Mường, Mông… Như vậy địa bàn ở huyện Krông Năng đã hình thành một xã mới. Bước đầu, bà con đã ổn định chỗ ở, sản xuất, đang xây dựng một quê hương mới để ổn định gia đình, dòng họ, anh em. Chúng ta thực hiện chính sách của Đảng nghiêm túc, thực hiện quyền sinh sống của đồng bào bình đẳng, đoàn kết, tương trợ cùng phát triển. Đồng bào dù ở ngoài Bắc vào hay đồng bào tại chỗ thì đây cũng là nguồn lực lớn của địa phương phát triển, góp phần xây dựng quê hương vững mạnh, đảm bảo ổn định, nâng cao đời sống nhân dân…
Bài và ảnh: Viết Tôn-Hữu Hoạt
Bài cuối: Cần có những chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số