Giải pháp để Phát triển du lịch ĐBSCL - Bài cuối: Những giải pháp đồng bộ

Hơn 85% lao động du lịch trong vùng ĐBSCL chưa qua đào tạo, 15% được đào tạo nhưng chỉ có chưa tới 1% được cấp chứng chỉ, khoảng 1% có bằng nghề, hơn 2% có bằng trung cấp, gần 3% có bằng cao đẳng - đại học và sau đại học. Thực trạng này đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch ĐBSCL trong thời gian tới.

 

Tìm nét riêng


"Đề án phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020" của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch được phê duyệt trong năm 2012, đã chia không gian du lịch ĐBSCL thành 4 cụm để xây dựng sản phẩm du lịch.

Ngành du lịch ĐBSCL mới chỉ tập trung khai thác những gì có sẵn từ thiên nhiên mà không đầu tư tạo những sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách.


Trong đó cụm trung tâm gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang, với sản phẩm nổi trội của vùng là du lịch tham quan sông nước, du lịch với mục đích thương mại, lễ hội và du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp. Cụm bán đảo Cà Mau gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng với các sản phẩm du lịch quan trọng là tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sinh thái tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer tại Sóc Trăng. Cụm duyên hải phía đông gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh với các sản phẩm chủ đạo là du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Cụm Đồng Tháp Mười gồm 2 tỉnh Long An và Đồng Tháp với sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng ngập nước nội địa Đồng Tháp Mười.


Cùng với cách phân vùng này, đề án đã đưa ra khá nhiều giải pháp để phát triển du lịch ĐBSCL như đào tạo nguồn nhân lực; giải pháp chính sách về thuế và tài chính, giải pháp về quy hoạch yêu cầu các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch phù hợp với định hướng phát triển chung của cả vùng nhằm đảm bảo hiệu quả và năng lực cạnh tranh du lịch. Giải pháp về đầu tư; giải pháp thị trường, xúc tiến quảng bá; giải pháp hợp tác phát triển; giải pháp nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ…


Ông Lê Văn Hùng, Phó Vụ trưởng - Quyền đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại TP.HCM khẳng định: “Để khai thác những tiềm năng hiện có của vùng và triển khai sớm đề án, cần rất nhiều yếu tố và nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, việc phát triển và đầu tư đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố mang tính quyết định. Bởi muốn có sản phẩm du lịch, muốn duy trì, tái xây dựng được sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách thì không ai khác là phải có bàn tay con người. Hoặc muốn quảng bá, muốn xúc tiến du lịch…, cũng phải có con người, có nguồn nhân lực cho du lịch làm việc này”.

 

Đa dạng hóa các phương thức


Để đào tạo nhân lực cho ngành du lịch ĐBSCL không chỉ các nhà quản lý ngành du lịch của các địa phương trong khu vực ĐBSCL phải nỗ lực, mà còn cần sự vào cuộc của các bộ, ngành để xây dựng những chính sách, giải pháp mang tính vĩ mô, từng bước chuyên nghiệp hóa nguồn nhân lực du lịch tại ĐBSCL.


Trong công tác đào tạo, cần phải thực hiện đa dạng hóa các phương thức đào tạo từ ngắn, trung đến dài hạn, tăng cường liên kết đào tạo, tập huấn và nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các địa phương, nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nguồn nhân lực. Để giải quyết bài toán về thiếu và yếu lao động trong vùng, trước mắt các địa phương nên thực hiện phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo phương châm tại chỗ, từ khâu tuyển dụng, đào tạo, thực hành, sử dụng và phát triển.


Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Lưu, Vụ đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Để phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL, cần quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo, dạy nghề và cơ sở nghiên cứu về du lịch. Xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên trình độ cao đồng thời phát hiện, đào tạo và sử dụng đội ngũ giáo viên, giảng viên trình độ cao có khả năng gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với thực tiễn hoạt động của ngành Du lịch. Các địa phương của ĐBSCL cần có biện pháp thu hút lao động tay nghề cao, nghệ nhân, các nhà quản lý giỏi, như đãi ngộ cao (hộ khẩu, cấp đất ở, nhà ở, lương...) để có thêm các đào tạo viên du lịch. Ngoài ra, các tỉnh trong vùng cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực du lịch và nâng cao tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp, nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức và nhân dân về phát triển nhân lực ngành du lịch. Có như vậy, mới hy vọng đến năm 2020, ngành du lịch ĐBSCL sẽ có những bước đột phá trong phát triển du lịch, tạo ra được nét đặc trưng của miền sông nước...


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN