Chăm lo để người lao động gắn bó với 'quê hương thứ hai'

Thủ phủ công nghiệp Bình Dương thu hút nhiều lao động đến làm việc và sinh sống. Không chỉ mang lại cơ hội việc làm phong phú, Bình Dương còn tạo dựng môi trường sống lý tưởng, thu hút hàng triệu lao động mong muốn gắn bó và phát triển lâu dài tại đây.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại nhà máy Công ty TNHH may mặc Bowker Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Cơ hội việc làm và chính sách phúc lợi hấp dẫn

Bình Dương hiện là một trung tâm sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước. Với 28 khu công nghiệp hoạt động trên diện tích hơn 7.000 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 93%, cùng 10 cụm công nghiệp và hàng nghìn nhà máy, tỉnh tạo việc làm cho gần 2 triệu lao động. Các khu công nghiệp lớn như VSIP, Sóng Thần, Đại Đăng không chỉ tập trung vào sản xuất hàng tiêu dùng mà còn phát triển mạnh ở lĩnh vực công nghệ cao, điện tử và logistics.

Bình Dương tiếp tục mở rộng các khu công nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài. Đến cuối năm 2024, tỉnh có hơn 4.300 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 41,8 tỷ USD, xếp thứ 3 toàn quốc. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh tăng mạnh, từ 3.900 tỷ đồng năm 1997 lên hơn 487.000 tỷ đồng năm 2023, đạt mức bình quân đầu người 172,5 triệu đồng - cao gấp 1,7 lần so với cả nước.

Đến nay, có gần 2.500 doanh nghiệp ở Bình Dương báo cáo về lương, thưởng Tết năm 2025. Mức thưởng Tết bình quân các doanh nghiệp đạt 9,16 triệu đồng, thấp nhất là 4,96 triệu đồng (áp dụng cho người lao động làm đủ 12 tháng). Đáng chú ý, mức thưởng Tết cao nhất của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên tới 840 triệu đồng.

Theo thống kê, mỗi năm, Bình Dương thu hút trên 30.000 lao động từ khắp nơi. Điều này không chỉ nhờ cơ hội việc làm đa dạng mà còn ở mức lương và phúc lợi cao.

Ông Bùi Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương cho biết, mức lương cơ bản tại đây dao động từ 7 - 8 triệu đồng/tháng đối với lao động phổ thông. Lao động kỹ thuật cao có thể nhận mức lương từ 15 - 20 triệu đồng/tháng, thậm chí lên đến 3.500 USD/tháng với vị trí đặc thù.

Vấn đề thu hút, giữ chân người lao động không đơn thuần chỉ là việc làm, tiền lương mà còn mang tính tổng thể, lâu dài, do đó, Sở định hướng, có chính sách đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động. Để người lao động gắn bó, làm việc lâu dài, ổn định, tỉnh có cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người lao động.

Ước tính đến cuối năm 2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội ước đạt hơn 1,1 triệu người, tăng khoảng 4,8% so với năm trước. Điều đó cho thấy số lao động tăng hơn năm trước.

Phát triển bền vững đi đôi với an sinh xã hội

Một lý do khiến người lao động lựa chọn gắn bó với Bình Dương là sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng đô thị. Tỉnh xây dựng nhiều khu dân cư hiện đại như thành phố mới Bình Dương, Dĩ An và Thuận An với đầy đủ tiện ích từ nhà ở, trường học, bệnh viện đến khu vui chơi giải trí.

Ngoài ra, hệ thống giao thông tại Bình Dương được đầu tư đồng bộ, giúp kết nối dễ dàng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Quốc lộ 13, tuyến cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn hay đường sắt đô thị Bình Dương - Thành phố Hồ Chí Minh đều góp phần nâng cao khả năng lưu thông và thu hút lao động.

Đặc biệt, chi phí sinh hoạt tại đây thấp hơn đáng kể so với Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Giá thuê nhà trọ chỉ từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, phù hợp mức thu nhập của người lao động phổ thông. Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai các dự án nhà ở xã hội như, chương trình “Nhà ở xã hội Becamex” cung cấp hơn 10.000 căn hộ với giá chỉ từ 120 - 200 triệu đồng/căn.

Tỉnh phê duyệt đề án xây dựng 160.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030 với tổng vốn đầu tư hơn 84.756 tỷ đồng. Đặc biệt, các khu đô thị xanh như, thành phố mới Bình Dương được xây dựng với quy hoạch hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và mang lại môi trường sống chất lượng cao.

Chị Trần Thị Hạnh, công nhân tại Khu công nghiệp Sóng Thần (thành phố Dĩ An) cho biết, giá thuê nhà hợp lý, môi trường sống thoải mái và các dự án nhà ở xã hội giúp chị yên tâm làm việc và tích góp mua nhà ở khu vực Dĩ An.

Chính sách hỗ trợ phụ nữ lao động và con em của họ được triển khai hiệu quả. Nhiều trường học, nhà trẻ được xây dựng gần khu công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động.

Chính quyền tỉnh Bình Dương tổ chức các sự kiện như “Ngày hội việc làm” hay “Hội chợ lao động” để kết nối doanh nghiệp và người lao động. Các chương trình đào tạo kỹ năng, nâng cao tay nghề liên tục được triển khai, giúp người lao động thích nghi với xu hướng công nghiệp 4.0.

Ông Phạm Trọng Nhân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dươmg chia sẻ, tỉnh tổ chức các chương trình “Tết sum vầy”, “Chuyến xe Xuân” cùng nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động khó khăn. Riêng dịp Tết năm 2024, Công đoàn chi hơn 270 tỷ đồng hỗ trợ gần 45.000 công nhân với tổng số tiền hơn 44 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.

Dự kiến, năm nay có khoảng 500.000 công nhân ở lại Bình Dương đón Tết. Với mong muốn mang đến một cái Tết ấm áp cho công nhân ở lại, các địa phương lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như, "Tết sum vầy", "Chợ Tết 0 đồng", "Tết yêu thương" cùng chương trình văn hóa, văn nghệ đa dạng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh là luôn xem mỗi anh chị em công nhân lao động xa quê như những người con của quê hương. Từ đó, tập trung mọi nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất cho công nhân yên tâm làm việc, sản xuất. Chính vì thế, nhiều anh chị chọn Bình Dương là quê hương thứ hai của mình để sinh sống và lập nghiệp.

Huyền Trang (TTXVN)
Tặng quà cho người lao động khó khăn; vé xe cho sinh viên về quê đón Tết
Tặng quà cho người lao động khó khăn; vé xe cho sinh viên về quê đón Tết

Ngày 20/1, Đoàn công tác do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương cùng đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã đến thăm hỏi, chúc Tết công nhân lao động Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN