Sau khi chạm mức gần 1.800 USD/ounce vào cuối tháng 10/2012, giá vàng đã giảm khoảng 35%, xuống còn 1.200 USD/ounce vào cuối tháng 6/2013, trong đó chỉ riêng trong quý II vừa qua đã giảm gần 25%. Về phương diện kinh tế vĩ mô, thế giới vẫn chưa có dấu hiệu thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, khi mà nguy cơ nợ công với những cơn bão như Hy lạp, Síp vẫn chưa biết tới điểm dừng. Động cơ chính thúc đẩy nhận thức coi vàng là một kênh đầu từ "lánh nạn" sẽ vẫn tồn tại khi mà các kênh đầu tư khác tỏ ra kém hiệu quả.
Giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn chênh lệch cao. Ảnh: Lê Phú |
Theo chuyên gia tư vấn về lĩnh vực tài chính ngân hàng Phạm Nam Kim (hiện đang sinh sống ở Thụy Sĩ), cho đến nay, chính phủ các nước vẫn chưa tìm ra được phương án "lật lại thế cờ" ngoài việc cố gắng kích cầu bằng cách mở rộng khối tiền tệ, hạ lãi suất xuống gần bằng không. Thế rồi hồi đầu tháng 4 năm nay có tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ ưu tiên việc kiềm chế lạm phát, thắt chặt lại khối tiền tệ và tăng lãi suất. Thêm vào đó là dự báo của Goldman Sach về "thời vàng son đã chấm dứt". Những thông tin trên làm chấn động giới tài phiệt và họ đã tận dụng tình thế cùng với những sản phẩm phái sinh, tạo giá và sinh lợi nhuận khiến thị trường vàng lao đao đi xuống. Thực tế mà nói, những yếu tố cơ bản của kinh tế vĩ mô chưa có gì thay đổi, thậm chí triển vọng nền kinh tế thế giới còn tiêu cực với việc Quỹ tiền tệ quốc tế điều chỉnh giảm dự đoán tăng trưởng. Chính vì vậy, những biến động vừa rồi chỉ là sự chỉnh sửa giá cả đã gia tăng một cách thái quá.
Từ ngàn xưa, khi tình hình kinh tế, chính trị bất ổn thì người dân tự khắc sẽ chuyển hướng sang đầu cơ, tiết kiệm vàng. Một khi kênh chứng khoán đang lao đầu xuống dốc, kênh đầu tư lợi nhuận cố định như trái phiếu chính phủ cũng như tiền gửi ngân hàng với một lãi suất "bèo" và trước mắt rủi ro lạm phát ăn mòn vốn gốc, thì các nhà đầu tư thế giới sẽ không do dự đổ tiền vào vàng. Đồng thời, một hiện tượng chưa từng thấy đã xảy ra đó là sự ‘bùng nổ’ nhu cầu vàng ở châu Á khi cùng một tư tưởng với giới đầu tư quốc tế, đổ xô đi mua vàng.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường vàng Việt Nam chắc chắn sẽ không nằm ngoài vòng biến động của thị trường vàng thế giới. Về mặt cầu, những xu hướng căn bản trên thế giới đề cập ở trên cũng đang chi phối thị trường vàng Việt Nam. Hơn nữa, người Việt Nam có tâm lý đặt hết niềm tin vào vàng và coi đó là cách bảo tồn giá trị tài sản an toàn nhất trước những biến cố bên ngoài. Chuyên gia Phạm Nam Kim cho rằng, trên phương diện thuần tài chính thì sự tăng trưởng nhu cầu vàng trong nước cũng rất dễ hiểu. Tất cả các kênh đầu tư khác đều trong tình trạng ảm đạm: Chứng khoán vẫn "đỏ sàn", bất động sản chìm đắm trong khủng hoảng, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn đó những thông tin về nợ xấu, về chính sách tái cơ cấu hệ thống. Chính vì vậy, việc bỏ tiền vào vàng tiếp tục là kênh đầu tư tốt nhất để bảo tồn giá trị vốn.
Còn trên thị trường chuyên nghiệp, các tổ chức kinh tế nói chung và các tổ chức tài chính nói riêng, hiện đang quá dư vốn và họ cũng mua vàng với mục tiêu tối ưu hóa rủi ro của danh mục đầu tư.
Trong khi lượng cầu lớn như vậy thì lượng cung lại chẳng được bao nhiêu. Nguồn cung thứ nhất là vàng dân cư bán ra, nhưng trong thời điểm này, chỉ có người cần tiền lắm mới bán ra. Nguồn cung thứ hai là vàng bán từ những cuộc đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước. Từ đầu năm đến nay, số lượng vàng tung ra thị trường qua kênh này là 48 tấn vàng, nghe thì thấy lớn, nhưng lượng vàng này cũng chỉ tạm đủ cho các tổ chức tài chính tất toán kinh doanh vàng của họ.
Nhìn về tương lai, những nhà phân tích trên thị trường vàng tại Thụy Sĩ dự đoán, giá vàng thế giới sẽ dao động ở mức 1.300 - 1.500 USD/ounce đến giữa năm 2015.
Minh Phương - Tố Uyên - CTV