Nếu như có thời điểm, khoảng cách giá vàng “nội” và “ngoại” “chênh” nhau tới 7 triệu đồng/lượng thì mới đây, khoảng cách này đã rút ngắn hơn tuy vẫn ở mức cao (gần 5 triệu đồng/lượng). Không chỉ vậy, trải qua khá nhiều phiên đấu thầu, thị trường vẫn “khát vàng” do cầu vượt cung.
Nhiều người dân vẫn có thói quen giữ vàng. Ảnh: Lê Phú |
Theo PGS - TS Ngô Trí Long, mặc dù đã kết thúc thời gian tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhưng có hai lý do khiến thị trường vẫn “khát” vàng. Thứ nhất: Do Nhà nước độc quyền về xuất nhập khẩu vàng nên chỉ NHNN có vàng. Còn các ngân hàng, doanh nghiệp (DN) muốn có vàng bán phải mua từ NHNN và nguồn vàng từ trong dân. Trong khi đó hiện nay, số người dân đi bán vàng ít. Điều này cũng “giải mã” phần nào lý do lượng vàng chào thầu đến đâu, bán hết đến đó. Lý do thứ hai: Hiện nền kinh tế vẫn có nhiều biến động nên người dân vẫn có tâm lý nắm giữ vàng.
Chia sẻ với phóng viên Tin Tức, một chuyên gia kinh tế cho rằng, sẽ là không ổn nếu NHNN tiếp tục đấu thầu vàng để thỏa mãn “cơn khát” của thị trường. Khi đó NHNN cứ nhập vàng về liên tục rồi tung vàng ra, hút tiền đồng về. Vô hình trung việc này không khác gì việc để một đống tài sản nằm im, không đưa vào sản xuất. Theo dự đoán, số vàng nằm trong dân còn khoảng 400 - 500 tấn nên NHNN phải làm sao khai thác được nguồn lực này để phục vụ sản xuất. Còn nếu cứ tung vàng ra bán để rồi thông qua DN bán lại cho dân là đi ngược với mục đích ban đầu đề ra là chống “vàng hóa” nền kinh tế.
Theo lãnh đạo Phòng Kinh doanh ngoại tệ của Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV), hạn chót tất toán trạng thái vàng của NHTM vào ngày 30/6 vừa qua chỉ là tất toán đối với phần huy động vàng. Ví dụ, ngân hàng huy động được 100 lượng vàng trong dân thì đến 30/6, ngân hàng phải trả 100 lượng vàng về cho dân. Vì vậy, khả năng vẫn còn một lượng vàng khác cần tất toán. Đó chính là số vàng mà ngân hàng đã cho khách hàng vay. Con số này theo ước tính trên toàn hệ thống là khoảng 10 tấn.
“Do đây là hợp đồng kinh tế, thời hạn kéo dài từ 3 đến 10 năm, thậm chí 15 năm nên không thể bắt khách hàng phải trả vàng trước hạn cho ngân hàng. Đó là điều dễ hiểu vì khi vay ngân hàng, giá vàng chỉ 15 - 20 triệu đồng/lượng, nay lên tới 38 triệu đồng/lượng, không khách hàng nào muốn thực hiện ngay vì họ hy vọng đến hạn tất toán hợp đồng, giá vàng sẽ giảm nữa”, lãnh đạo BIDV cho biết. Đó cũng là lý do khiến cho lực cầu vẫn còn ở mức khá mạnh.
Hiện nhiều ý kiến vẫn nghi ngại về mục tiêu bình ổn thị trường vàng của NHNN, trong đó có việc rút ngắn khoảng cách giá vàng trong nước và quốc tế. Mặc dù đã qua thời điểm 30/6 được vài tuần nhưng chưa có dấu hiệu giá vàng trong nước sẽ sát giá vàng thế giới. Trong khi đó, không ít lần lãnh đạo của NHNN cho rằng: Đấu thầu vàng để bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá.
Liên quan tới vấn đề này, một cán bộ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho hay: Hiện mới qua thời điểm tất toán vài tuần, NHNN cần thêm thời gian. Việc kéo giá trong nước sát giá thế giới không khó. Chỉ cần đấu thầu liên tục là giá sẽ xuống. “NHNN chỉ cần đấu thầu nhiều hơn và bước đặt giá đấu thầu cao hơn vài ba triệu đồng/lượng so với giá thế giới là giá trong nước giảm ngay. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất VND quá thấp, làm như vậy sẽ gia tăng lực cầu nội địa về vàng. Thí dụ: thị trường đang mua vàng ở mức 37 - 38 triệu đồng/lượng nay rút xuống 33 - 35 triệu đồng/lượng thì nhu cầu vàng sẽ tăng đột biến. Không ai dám khẳng định người dân sẽ không rút ngay tiền tiết kiệm để mua vàng”, đại diện Eximbank cho biết.