Cuối phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,02% lên 1.164,10 USD/ounce, rời khỏi mức cao trong phiên là 1.169,20 USD/ounce. Trong phiên ngày 23/10, kim loại quý này đã giảm xuống 1.158,77 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 13/10, khi đồng USD leo lên mức cao nhất trong hơn hai tháng qua. Giá vàng kỳ hạn giao tháng 12/2015 tăng 0,3% lên 1.166,20 USD/ounce.
Thống kê công bố ngày 26/10 cho thấy doanh số bán nhà đơn lập mới trong tháng Chín tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần một năm, gây sức ép lên đồng USD, qua đó góp phần hỗ trợ thị trường vàng.
Hiện nay, giới đầu tư đang theo dõi cuộc họp chính sách hai ngày của FED, kết thúc ngày 28/10. Mặc dù, thể chế tài chính này được cho là sẽ không tăng lãi suất tại cuộc họp tuần này, song giới đầu tư vẫn đang tìm kiếm manh mối để xem liệu FED có tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 tới hay không.
* Mối lo dư cung tiếp tục gây áp lực lớn lên thị trường dầu mỏ
Tiếp nối đà giảm giá trong tuần trước, trong phiên 26/10, giá dầu thô thế giới đi xuống trong bối cảnh Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo đầu tư trong lĩnh vực dầu mỏ có thể tiếp tục thu hẹp.
Cụ thể, khép lại phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 12/2015 hạ 62 xu Mỹ (1,4%) xuống 43,98 USD/thùng. Tại London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 45 xu Mỹ (0,9%) và đóng cửa ở mức 47,54 USD/thùng.
Tuần trước đánh dấu tuần thứ hai giá dầu hạ. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI và dầu Brent mất lần lượt 2,02 USD/thùng và 1,94 USD/thùng.
Trong một phát biểu tại một hội nghị năng lượng tại Singapore, ngày 26/10, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho rằng tình trạng nguồn cung dầu mỏ dôi dư có thể kéo dài đến giữa năm sau, trong khi đó, đầu tư trong lĩnh vực này dự kiến sẽ giảm mạnh hơn do giá dầu thấp trong thời gian dài.
Ông Birol cho biết đầu tư trong ngành dầu mỏ trên toàn cầu đã giảm 20% trong năm nay, và tình hình này có thể sẽ tiếp diễn trong năm 2016.