Giá vàng phục hồi, chứng khoán khởi sắc

Giá vàng châu Á chiều 22/12 vẫn tiếp tục đà phục hồi của 2 ngày trước do đồng USD giảm giá.

Trong phiên giao dịch chiều 22/12, giá vàng châu Á vẫn tiếp tục đà phục hồi của 2 ngày trước do đồng USD giảm giá, mặc dù đà sụt giảm của giá dầu và lộ trình nâng lãi suất chưa chắc chắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hạn chế đà tăng của kim loại quý này.

Tại thị trường Singapore, vào lúc 13 giờ 48 phút (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay ít thay đổi và ở mức 1.079,20 USD/ounce, sau khi tăng 2,5% trong hai phiên trước.

Giá vàng đã tăng vào hôm thứ Hai (21/12) do đồng USD đã giảm xuống sau khi số liệu từ chi nhánh Chicago của FED cho thấy kinh tế Mỹ trong tháng 11/2015 đã tăng trưởng với tốc độ dưới mức trung bình ở thời điểm trước khi Fed nâng lãi suất hồi tuần trước. Thông tin này đã hỗ trợ thị trường kim loại quý.

James Steel, nhà phân tích của HSBC cho biết, lực cản sức phục hồi của giá vàng là sự trượt dốc của giá dầu mỏ. Giá dầu thô đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2004 vào thứ Hai (21/12) và giá dầu giảm sâu hơn có thể khơi nguồn cho nỗi lo giảm phát. Trong khi đó, vàng thường được xem như một công cụ chống lạm phát do giá dầu gây nên.

Các nhà đầu tư lo ngại lãi suất của Mỹ tăng cao hơn có thể làm giảm nhu cầu vàng, kim loại quý không sinh lời, đồng thời làm đồng USD mạnh lên.

Hy vọng vào việc Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm tung ra các chính sách cải cách kinh tế mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng đã giúp thị trường chứng khoán châu Á nối dài đà tăng từ phiên trước trong ngày giao dịch 22/12. Ngoài ra, trong phiên này giá dầu mỏ và giá một số mặt hàng kim loại cũng ghi nhận mức tăng hiếm thấy, còn các đồng tiền từ thị trường mới nổi cũng đua nhau lên giá.

Kết thúc phiên này, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong đều đóng cửa với "sắc xanh" khi chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt tăng 9,3 điểm (0,26%) và 38,34 điểm (0,18%), lên 3.651,77 điểm và 21.830,02 điểm.

Tại Hội nghị công tác kinh tế trung ương diễn ra tại Bắc Kinh từ 18-21/12 các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho biết họ sẽ nỗ lực để giảm bớt nợ của các chính quyền địa phương, đồng thời thúc đẩy cải cách trong lĩnh vực nhà đất nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng lưu ý việc đẩy mạnh cải cách khung và tạo điều kiện để chính sách tiền tệ trở nên linh hoạt hơn. Đây là tuyên bố mới nhất của Bắc Kinh sau khi đưa ra cam kết hồi năm ngoái rằng sẽ để thị trường đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đi đôi với cải cách các doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước. Thông tin này khiến các thị trường đồng loạt khởi sắc và giới đầu tư hy vọng rằng kinh tế Trung Quốc sẽ sớm thoát khỏi tình trạng tăng trưởng trì trệ như hiện nay.

Tại thị trường Seoul, chỉ số Kosspi của Hàn Quốc cũng tăng 0,6%. Tuy nhiên, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lại mất 29,32 điểm (0,16%), xuống 18.886,70 điểm. Nguyên nhân dẫn tới diễn biến ngược chiều này của chứng khoán Nhật Bản là do giá cổ phiếu của hãng điện tử Toshiba giảm xuống mức thấp nhất trong gần bảy năm qua, sau khi hãng này cảnh báo nguy cơ thua lỗ 4,5 tỷ USD trong năm nay, cùng khả năng phải cắt giảm một lượng lao động nhất định, sau vụ bê bối khai khống lợi nhuận.

Mở cửa phiên 22/12, tại thị trường châu Âu, các thị trường chứng khoán khu vực này đã phục hồi sau khi chứng kiến đà giảm mạnh ở phiên trước. Tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,6%, lên 6.071,6 điểm. Tại thị trường Pháp và Đức, chỉ số CAC 40 và DAX 30 lần lượt ghi thêm 0,7% và 1%, lên 4.596,6 điểm và 10.598,1 điểm.

TTXVN/Tin Tức
Giá vàng giảm với tốc độ mạnh nhất trong 5 tháng
Giá vàng giảm với tốc độ mạnh nhất trong 5 tháng

Ngày 17/12 tại thị trường New York, giá vàng giảm 2%, mức giảm mạnh nhất trong 5 tháng qua, ngấp nghé mức đáy của năm 2010.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN