Hôm qua (9/7), giá vàng trong nước bán ra giảm nhẹ 200.000 đồng/lượng so với ngày hôm trước. Tỷ giá USD/VND theo niêm yết tại các ngân hàng thương mại vẫn duy trì nhưng giá USD thị trường tự do đã bớt nóng với giá mua vào - bán ra đã giảm 150 đồng so với ngày 8/7.
Mức chênh giá vàng “nội”, “ngoại” vẫn cao
Lúc 9 giờ sáng 9/7, giá vàng SJC tại Hà Nội giao dịch ở mức: 37,1 - 37,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng mua vào và giảm 80.000 đồng/lượng bán ra so với cùng thời điểm hôm 8/7. Cuối giờ chiều, giá vàng SJC Hà Nội bán ra đã giảm nhẹ so với sáng cùng ngày với mức 37,68 triệu đồng/lượng. Đại diện Bảo Tín - Minh Châu cho biết: Mặc dù giá vàng đi xuống nhưng giao dịch vẫn sôi động. Với việc giá vàng giảm, lượng giao dịch nghiêng về phía khách mua vào.
Mua bán vàng tại cửa hàng Bảo Tín - Minh Châu.Ảnh: Lê Phú |
Kết quả phiên đấu thầu bán vàng miếng thứ 41 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) diễn ra sáng ngày 9/7 cho thấy: Lần đầu tiên 100% các đơn vị tham gia đấu thầu mua vàng miếng của NHNN đều trúng thầu. Theo đó, 40.000 lượng vàng miếng chào bán được 13/13 đơn vị tham gia mua hết với giá trúng thầu thấp nhất là 37,48 triệu đồng/lượng và giá trúng thầu cao nhất là 37,7 triệu đồng/lượng. Từ ngày 28/3/2013 đến 9/7/2013, NHNN đã tổ chức 41 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.116.900 lượng trên tổng số 1.218.000 lượng chào thầu.
Theo TS. Hoàng Thế Thỏa (Ngân hàng Nhà nước), USD tăng giá là do nhu cầu ngoại tệ của khách hàng cá nhân thường tăng vào giữa năm, khi một số gia đình phải mua dần ngoại tệ để chuẩn bị cho con em đi du học nước ngoài. Để chấm dứt áp lực lên tỷ giá, NHNN chỉ cần nâng giá USD thêm một chút, buộc các ngân hàng thương mại phải nhanh chóng tất toán trạng thái vàng. Sau thời gian đó, nhu cầu thu gom USD tại các ngân hàng sẽ hạ nhiệt, gây tác động lan tỏa sang thị trường tự do vốn chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trên thị trường ngoại hối quốc gia. |
Một chuyên gia kinh tế cho biết: Khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện còn khoảng 6 triệu đồng/lượng (giảm 1 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước), vẫn là mức vênh cao cho dù đã hết thời hạn cho các ngân hàng thương mại tất toán vàng (ngày 30/6).
Tuy nhiên mới đây, đại diện NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết: Đối với trạng thái huy động vàng hiện nay vẫn có 3 ngân hàng còn khoảng 490 lượng, riêng đối với trạng thái cho vay vàng, số lượng còn khoảng 9 tấn. Thông tin này đã phần nào lý giải, dù đã qua hạn tất toán vàng nhưng NHNN vẫn liên tiếp bán ra khối lượng vàng lớn thông qua đấu thầu. Nhu cầu vàng vẫn còn lớn nên giá vàng vẫn “sốt”, độ vênh giữa vàng “nội” và “ngoại” vẫn cao.
Áp lực tỷ giá sẽ không kéo dài
Chiều 9/7, tỷ giá USD/VND tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam vẫn duy trì như ngày 8/7 với mức: 21.230 - 21.246 đồng/USD (mua vào - bán ra). Trong khi đó tại thị trường chợ đen, giá USD đã giảm mạnh. Cụ thể: Giá USD ở Hà Nội ở mức 21.600 - 21.700 đồng/USD, giảm khoảng 150 đồng so với hôm 8/7. Tại TP Hồ Chí Minh, so với ngày 8/7, giá bán USD là 21.820 đồng, giảm 40 đồng và giá mua vào là 21.670 đồng, giảm tới 80 đồng.
Trao đổi với phóng viên Tin Tức chiều 9/7, TS Lê Quốc Phương, Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: Thị trường tỷ giá đã có biến động nhưng tạm thời chưa đến mức NHNN can thiệp vì NHNN cũng vừa điều chỉnh tỷ giá 1%. “NHNN chưa lo ngại vì dự trữ ngoại hối vẫn lớn; về ngắn hạn tỷ giá USD/VND biến động sẽ có lợi cho lĩnh vực xuất khẩu, hạn chế nhập siêu. Việc điều chỉnh tỷ giá không quá 2 - 3% trong năm nay theo định hướng của NHNN là phù hợp”, ông Phương nói.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, thời gian qua, nhờ giữ được ổn định tỷ giá, NHNN đã mua vào khoảng 5 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối và dự báo năm nay cán cân thanh toán tổng thể vẫn tiếp tục thặng dư khoảng 4 - 5 tỷ USD. Điều đó cho thấy, NHNN vẫn có thể đảm bảo ổn định cân đối được cung- cầu ngoại tệ.
Đại diện Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) nhận định: Nguyên nhân căng thẳng tỷ giá thời gian qua là bắt nguồn từ việc các ngân hàng phải tất toán trạng thái vàng trước ngày 30/6. Theo đó, nhu cầu trả nợ các khoản vay đến hạn trả; hoặc nhập vàng, đầu cơ có thể khiến cho tỷ giá USD tăng mạnh. Ngoài ra, khoảng cách chênh lệch nới rộng giữa giá vàng trong và ngoài nước cũng là tác nhân gây nên sự tăng giá USD. Thêm vào đó, khi lãi suất huy động tiếp tục giảm mạnh, chênh lệch giữa lãi suất huy động USD và tiền đồng không còn cao như trước, xu hướng dịch chuyển từ VND sang USD đã manh nha trở lại, trong đó, người dân có xu hướng mua USD gửi tiết kiệm tăng lên (tính đến đầu tháng 6, huy động vốn bằng USD đã tăng trở lại mức 0,84%). Thời gian tới, thị trường ngoại hối sẽ dần ổn định trở lại, áp lực lên tỷ giá sẽ không tồn tại lâu khi các ngân hàng hoàn tất cân bằng trạng thái vàng; tình trạng “căng” của tỷ giá cũng sẽ chấm dứt. Thêm vào đó, nhập siêu tiếp tục hạ nhiệt sẽ tác động tích cực lên cán cân ngoại hối.
Minh Phương