Giá vàng 'nội' - 'ngoại' vênh kỷ lục

Mặc dù đã qua 1 tuần, kể từ sau ngày 30/6, thời điểm các ngân hàng thương mại (NHTM) kết thúc việc tất toán vàng, nhưng giá vàng trong nước đã đi chệch mọi dự đoán. Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn tăng, hiện đang ở mức kỷ lục: 7 triệu đồng/lượng.


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức chiều qua (7/7), TS Lê Quốc Phương nhận định: Do nhu cầu vàng trên thị trường vẫn lớn nên giá vàng trong nước tăng mạnh, có thời điểm giá vàng thế giới giảm dẫn đến giá vàng “nội” và “ngoại” ở mức vênh khá cao.


Giao dịch mua bán vàng tại cửa hàng Bảo Tin Minh Châu (Hà Nội). Ảnh chụp lúc 15 giờ ngày 7/7/2013.Ảnh: Lê Phú


Hôm qua, giá vàng SJC mua vào - bán ra ở mức 37,6 - 38,1 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng mua vào và 200.000 đồng/lượng bán ra so với thứ bảy (6/7). Mở cửa phiên giao dịch ngày 6/7, giá vàng SIC tại thị trường TP Hồ Chí Minh ở mức 37,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 38,3 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng mua và bán so với cuối giờ chiều thứ sáu. Mặc cho giá thế giới quay đầu giảm gần 30 USD/oz, giá vàng trong nước ngày 6/7 đã lội ngược dòng khi tiếp tục tăng thêm vài trăm nghìn đồng mỗi lượng, khiến khoảng cách giữa giá vàng “nội” và “ngoại” lên mức kỷ lục, gần 7 triệu đồng/lượng. Không phải chỉ các chuyên gia kinh tế mà thị trường cũng kỳ vọng giá vàng sẽ giảm sau ngày 30/6. Tuy nhiên, trước mắt, việc thu hẹp khoảng cách giữa giá trong nước với giá quốc tế vẫn chưa đạt được.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI:

Giá vàng trong nước có sức ỳ

Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế ở mức cao là có thời điểm giá vàng trên thị trường quốc tế rơi quá nhanh. Đơn cử trong tháng 4/2013, chỉ trong khoảng 3 ngày mà giá vàng đã mất tới 225 USD/ounce. Trong khi đó, ở trong nước, không một doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, nhà kinh doanh vàng nào có thể điều chỉnh giá vàng xuống theo giá vàng thế giới được. Bởi nếu điều chỉnh theo kịp độ rơi của giá vàng quốc tế, khi giá vàng hồi phục trở lại, các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ đối mặt với nguy cơ rủi ro rất lớn.

Ở thị trường quốc tế, những nhà kinh doanh vàng có công cụ phòng ngừa rủi ro, cho nên có thể tất toán tất cả những trạng thái đã mua hoặc đã bán trên vàng phi vật chất. Tuy nhiên, Việt Nam không còn công cụ này. Vì vậy, giá vàng trong nước luôn có sức ỳ, không thể dao động cùng biên độ với giá vàng quốc tế, khiến khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới ngày càng lớn.


Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức 3 phiên đấu giá với khối lượng khá lớn (40.000 lượng mỗi lần) nhưng có tới 2 phiên “cháy” hàng, chỉ duy nhất 1 phiên dư với số lượng không đáng kể là 100 lượng. Điều này cho thấy, nhu cầu của thị trường về vàng vẫn lớn.


Chuyên gia kinh tế TS Lê Xuân Nghĩa tiên lượng: Một số NHTM rất muốn tất toán xong trạng thái vàng trước ngày 30/6 nhưng có thể do khó khăn về thanh khoản, không có đủ tiền mặt để mua vàng, nên có thể kéo dài thời hạn tất toán sang sau 30/6. Ngoài ra, việc tất toán vàng gửi thì dễ, nhưng tất toán vàng cho vay thì rất khó, vì các doanh nghiệp vay vàng không chịu chuyển đổi nợ vàng sang nợ tiền đồng. Do đó, họ cần thêm thời gian để hoàn thành việc tất toán này, nhất là đối với vàng cho vay. Đây là lý do khiến nhu cầu về vàng sau 30/6 vẫn “nóng”.


Đề cập tới khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới ngày càng lớn, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, mức chênh lệch giữa giá vàng “nội” và “ngoại” phụ thuộc ít nhất vào hai nhóm vấn đề. Nhóm thứ nhất, giá vàng đấu thầu là do NHNN quyết định và việc thu hẹp hay không thu hẹp khoảng cách này phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của NHNN. Với nhóm vấn đề thứ hai, chúng ta có một thị trường vàng, phía người bán đầu tiên (tức là NHNN) có quyền quyết định giá, nhưng giá đó có thực hiện được trên thị trường hay không thì phụ thuộc vào quy luật cung cầu, trong đó có cả yếu tố liên quan đến tâm lý, diễn biến quản lý thị trường vàng, quản lý thị trường tiền tệ, hay việc nhập khẩu vàng.


Trước đó, đại diện NHNN cho rằng: Sau ngày 30/6, nhu cầu về vàng trên thị trường chủ yếu chỉ đến từ nhu cầu tích trữ của người dân, khi mà các NHTM không được phép cho vay hay huy động vàng theo quy định. Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan về lực cầu đến từ nhu cầu mua vàng tích trữ của người dân được. Trước hết, cần làm rõ mục đích chính của người dân khi mua vàng. Ngoài mục đích mua vàng để thực hiện những tập tục, tín ngưỡng thì việc người dân mua vàng có hai mục đích chính: Xem vàng như một công cụ để phòng tránh lạm phát và thực hiện mua vàng như một kênh đầu tư dài hạn.


Về vấn đề này, TS Lê Quốc Phương cũng nhận xét: Nhu cầu tích trữ vàng trong dân còn rất lớn. Trong khi đó hiện nay, người dân cũng chưa thực sự chọn cho mình các kênh đầu tư khác như chứng khoán hay bất động sản. Trong khi đó, Công ty vàng bạc đá quý DOJI cho biết, thực tế nhu cầu tích trữ vàng của người dân vẫn còn và nhiều hay ít tùy thuộc vào lạm phát, giá cả và cung ứng vàng của NHNN. Khi các NHTM đóng trạng thái dư nợ vàng sau ngày 30/6, nhu cầu mua vàng với số lượng lớn trên thị trường không còn, chỉ còn cầu vàng của dân nhưng chỉ ở mức nhất định. Còn ông Nguyễn Nhật Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam nhận định, người dân đi mua vàng thường không đánh giá giá vàng trong nước với giá vàng thế giới, mà chỉ so sánh giá vàng so với mức đỉnh của nó trong quá khứ để quyết định có mua hay không.


“Biến động giá vàng trên thế giới có tác động đến thị trường Việt Nam nhưng hai thị trường này chưa liên thông với nhau, thành ra mỗi thị trường vận hành theo đặc thù riêng. Hiện tại thị trường Việt Nam, nhu cầu về vàng còn lớn mà nhu cầu này sẽ tồn tại trong một thời gian nữa. Chúng ta từng kỳ vọng thị trường vàng sẽ đi vào ổn định hơn khi mà các NHTM tất toán xong trạng thái vàng và có thể giá vàng trong nước sẽ tiến đến gần với giá vàng thế giới, nhưng tôi nghĩ cần phải có thời gian”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định.



Minh Phương

Giá vàng thế giới giảm

Phiên giao dịch cuối tuần qua chứng kiến sự sụt giảm mạnh của giá vàng thế giới. Tại thị trường Singapore ngày 5/7, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống còn 1.242,1 USD/ounce. Tại New York, Mỹ, chốt phiên cuối tuần giá vàng giao tháng 8/2013 giảm 3,1% xuống 1.212,70 USD/ounce.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN