Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg |
Vàng "kém sắc" trong bối cảnh các thị trường chứng khoán và đồng USD mạnh lên. Thị trường chứng khoán Phố Wall và châu Âu đã phục hồi hơn 1%, cùng với đà tăng của đồng USD và giá dầu thế giới, cho thấy niềm tin của giới đầu tư phục hồi đôi chút sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tạm hoãn tăng lãi suất.
Kết thúc phiên này, giá vàng kỳ hạn giao tháng 12/2015 giảm 0,4% xuống 1.132,80 USD/ounce. Giá vàng được giao dịch trong biên độ hẹp hồi đầu tháng này do tình hình không rõ ràng về việc liệu FED có tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên qua hay không.
Sau khi FED quyết định giữ nguyên lãi suất hôm 17/9, kim loại quý này đã tăng mạnh lên mức đỉnh 1.141,50 USD/ounce ngay phiên sau đó.
Trong một thông tin có liên quan đến thị trường kim loại quý, nhập khẩu bạch kim của Trung Quốc trong tháng Tám đã tăng 16%, còn nhập khẩu palladium giảm gần 37%.
Giá dầu thế giới phục hồi với nguyên nhân theo các chuyên gia phân tích là nhờ nhân tố kỹ thuật sau khi sụt giảm mạnh vào tuần trước.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 10/2015 tăng 2 USD (tương đương 4,1%), lên 46,68 USD/thùng, gần như lấy lại được phần lớn những gì đã để mất trong phiên cuối tuần trước (18/9).
Trong khi đó, tại thị trường London của Anh, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 11/2015 cũng tăng thêm 1,45 USD, lên 48,92 USD/thùng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters |
Mặc dù tình trạng dôi dư nguồn cung dầu mỏ vẫn đè nặng lên thị trường năng lượng toàn cầu, song nhân tố kỹ thuật đã giúp giá dầu phục hồi sau đà giảm mạnh hồi tuần trước, dù cho khối lượng giao dịch trong phiên này vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, việc số lượng giàn khoan dầu của Mỹ tiếp tục giảm trong tuần trước cũng thêm vào một lý do để các nhà đầu tư dầu mỏ quyết định tăng cường mua vào trong phiên này.
Giá dầu hạ mạnh trong phiên giao dịch 18/9, ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản gần bằng 0%, vốn đã duy trì gần 10 năm qua, tại cuộc họp chính sách mới nhất. Thông tin này làm dấy lên quan ngại về "sức khoẻ" nền kinh tế toàn cầu, qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường năng lượng.