Sau hai tuần tăng giá liên tiếp trước đó, thị trường vàng thế giới tuần qua đã quay đầu thoái lui trong bối cảnh nhà đầu tư phần lớn “ém mình” theo dõi những diễn tiến thất thường xung quanh các cuộc đàm phán của Hy Lạp với các chủ nợ quốc tế. Ngoài ra, tâm lý lo ngại về triển vọng ảm đạm của vàng trong dài hạn cũng gây áp lực lên giá kim loại quý này. Giá vàng đã giảm trong phần lớn các phiên trong tuần và đã có thời điểm tại phiên 25/6 rơi xuống 1.171,02 USD/ounce - mức thấp nhất trong hai tuần. Đằng sau sự giảm giá này, theo các nhà phân tích, là do sự tăng giá của đồng USD và tâm lý lạc quan cho rằng Athens sẽ đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế để tránh tình trạng vỡ nợ. Điều này khiến nhà đầu tư tỏ ra hứng thú với các tài sản rủi ro như chứng khoán hơn là vàng. Bên cạnh đó, giá vàng còn bị tác động tiêu cực bởi đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên trong năm nay. Đây là "trận gió ngược" đối với thị trường vàng trong nhiều tháng qua.
Tuy nhiên, giá vàng đã "gượng" lại trong phiên cuối tuần 26/6 và phục hồi đôi chút từ mức thấp nhất trong gần ba tuần, nhờ động thái mua vào mạnh khi giá vàng đã bị giảm khá nhiều trong các phiên trước, cùng thái độ thận trọng của nhà đầu tư khi Hy Lạp và các chủ nợ sẽ bước vào cuộc đàm phán "cam go" vào cuối tuần này. Dù vậy, mức tăng vẫn bị chặn lại phần nào do những lo ngại về triển vọng không mấy sáng sủa của giá vàng trong dài hạn.
Cuối phiên 26/6 tại thị trường New York, giá vàng giao ngay chỉ còn giảm không đáng kể 0,1% xuống 1.171,55 USD/ounce. Trước đó, cũng trong phiên này, giá vàng đã có lúc rơi xuống 1.168,25 USD/ounce - mức thấp nhất trong ba tuần qua, kể từ ngày 5/6. Tính chung cả tuần, giá kim loại quý sụt giảm 2,2% so với tuần trước đó. Trong khi đó, tại phiên 26/6, vàng giao kỳ hạn tháng 8/2015 lại tăng 1,40 USD lên chốt tuần ở 1.173,20 USD/ounce.
Trong khi đó, đối mặt với nguồn cung dồi dào, thị trường dầu mỏ tuần qua còn bị ảnh hưởng bởi các cuộc thương lượng căng thẳng giữa Hy Lạp và các chủ nợ nhằm đạt được một thỏa thuận cứu trợ.
Ngoài ra, giá dầu còn bị chi phối bởi sản lượng dầu của Mỹ vẫn duy trì ở mức cao (đạt mức kỷ lục 9,6 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 19/6) và kho dầu dự trữ chiến lược cũng xấp xỉ mức cao kỷ lục.
Hy Lạp và các chủ nợ là Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã không khơi thông được thế bế tắc trong các cuộc đàm phán khẩn cấp ngày 25/6. Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin rằng rút cuộc thì một thỏa thuận cũng sẽ vẫn được ký kết vào cuối tuần này cho dù sẽ "rất khó khăn". Nếu đạt được đồng thuận, theo một số nhà phân tích, điều này sẽ tác động tích cực đến đồng euro, và qua đó tác động tích cực tới thị trường dầu mỏ.
Các nhà giao dịch cũng dành mối quan tâm đến việc Iran và sáu cường quốc có đạt thỏa thuận liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran hay không khi hạn chót là ngày 30/6 đang đến gần. Thỏa thuận nếu đạt được có thể dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào quốc gia Hồi giáo này, trong đó có cả biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ của Iran. Nếu nguồn dầu từ Iran được khơi thông, nguồn cung dầu trên thị trường sẽ còn dư dả hơn và gây sức ép đi xuống đối với giá dầu.
Sau khi trồi sụt trong suốt các phiên trong tuần, giá dầu biến động trái chiều trong phiên cuối tuần 26/6. Cụ thể, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng Tám chốt phiên giảm 7 xu, xuống đóng tuần ở 59,63 USD/thùng, song vẫn tăng 23 xu so với mức chốt của một tuần trước đó. Còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ lại tăng 6 xu, lên chốt tuần ở 63,26 USD/thùng, cũng cao hơn 60 xu so với mức chốt của tuần trước nữa.
Như vậy là, cả hai hợp đồng dầu chủ chốt kết thúc tuần qua đều đã có những mức tăng nhẹ so với một tuần trước đó.