Giá dầu giảm trong bối cảnh thị trường tỏ ra nghi ngờ về khả năng các nhà sản xuất dầu chủ chốt có thể đạt được thỏa thuận hạn chế sản lượng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg |
Chốt phiên này, trên sàn giao dịch hàng hóa New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5/2016 giảm 1,09 USD xuống 35,70 USD/thùng. Còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2016 hạ 98 xu Mỹ xuống 37,69 USD/thùng.
Những hy vọng về khả năng các nhà sản xuất dầu tại Doha vào ngày 17/4 tới có thể nhất trí “đóng băng” sản lượng ở các mức như hồi tháng Một đã giúp đưa giá dầu trở lại trên mức 40 USD/thùng hồi đầu tháng Ba.
Tuy nhiên, niềm tin vào một thỏa thuận như vậy đang giảm dần và bị “lung lay” sau khi Riyadh đánh tiếng sẽ chỉ hạn chế sản lượng nếu Iran và các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt khác cũng hành động tương tự.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh hôm 3/4 vừa qua thông báo xuất khẩu dầu mỏ của nước này đã vượt 2 triệu thùng/ngày sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ. Bên cạnh đó, sản lượng dầu khai thác tại Nga cũng đạt mức 10,91 triệu thùng/ngày trong tháng Ba, mức cao nhất trong gần 30 năm qua.
Giá vàng thế giới đi xuống sau khi nền kinh tế Mỹ phát đi các tín hiệu khả quan và một quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đánh tiếng về khả năng FED tăng lãi suất sớm hơn tiên lượng của thị trường.
Chốt phiên này, tại Sàn giao dịch kim loại New York, giá vàng giao tháng 6/2016 giảm 0,3% xuống 1.219 USD/ounce. Vào lúc 2 giờ 1 phút sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.216,10 USD/ounce.
Trong ba tháng đầu năm nay, giá vàng giao ngay ghi nhận mức tăng mạnh nhất/quý trong gần 30 năm qua, trong bối cảnh thị trường đồn đoán Fed không vội vàng trong việc tăng lãi suất.
Theo thống kê mới được công bố, số lượng việc làm tại khu vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng Ba tăng 215.000, cao hơn so với mức dự báo là tăng 205.000. Đây là một tín hiệu tích cực góp phần củng cố “sức khỏe” của nền kinh tế lớn nhất thế giới.