Giá dầu West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giao tháng 1/2016 giảm 37 xu Mỹ, xuống 39,60 USD/thùng và giá dầu Brent giao cùng kỳ giảm 12 xu Mỹ, xuống 42,88 USD/thùng vào sáng 7/12 tại Singapore.
Tại cuộc họp cuối tuần trước ở Vienna, Áo OPEC quyết định không cắt giảm sản lượng dầu mỏ để nâng giá. OPEC sản xuất hơn 1/3 lượng dầu của thế giới và sản lượng của các nước thành viên tổ chức này hiện vượt mức mục tiêu chính thức 30 triệu thùng/ngày, dù nguồn cung dầu toàn cầu dồi dào đã làm giảm giá trong hơn một năm qua. Chiến lược gia về thị trường Bernard Aw của IG Markets (Singapore) cho rằng giá dầu đang chịu sức ép từ quyết định của OPEC, khi điều này báo hiệu tình trạng dư cung sẽ kéo dài hơn và giá dầu WTI có thể sẽ tiếp tục ở dưới mốc 40 USD/thùng.
Theo người phụ trách về dầu mỏ và khí đốt của công ty dịch vụ chuyên nghiệp EY, Sanjeev Gupta, sự chú ý của thị trường đã được chuyển sang cuộc họp của Fed và số liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới. Ông cho rằng hai yếu tố này sẽ quyết định diễn biến của giá dầu trong những tuần tới.
Các nhà giao dịch đang chờ xem Fed có nâng lãi suất hay không. Lãi suất tại Mỹ nếu được nâng lên sẽ làm tăng giá đồng USD và điều này sẽ khiến dầu, loại hàng hóa được định giá bằng đồng USD, sẽ đắt hơn với những người mua bằng đồng tiền khác, từ đó gây tác động đến nhu cầu và giá.
* Giá vàng châu Á gần mức cao nhất trong ba tuần qua
Trong phiên sáng ngày 7/12, tại thị trường châu Á, giá vàng được giao dịch gần mức cao nhất của ba tuần qua, nhờ một đợt “ôm” vàng diễn ra trong thời gian ngắn, sau khi báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp vững mạnh đã “củng cố” khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất tại cuộc họp chính sách tuần tới.
Trên Sàn giao dịch điện tử Singapore, lúc 7 giờ 37 phút (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm nhẹ 0,3% xuống 1.083,61 USD/ounce, nhưng “áp sát” mức cao nhất kể từ ngày 16/11 ghi nhận được trong phiên trước đó là 1.088,70 USD/ounce. Kim loại quý này đã tăng 2,3% trong phiên ngày 4/12 sau khi giảm xuống mức “đáy” trong gần sáu năm qua hồi đầu tuần này.
Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 11, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 211.000 việc làm mới, cao hơn so dự đoán 200.000 việc làm của các nhà kinh tế và lượng việc làm mới được kiến tạo trong hai tháng Chín và Mười trước đó cũng tăng đáng kể so với dự kiến. Ngoài ra, báo cáo việc làm cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế đầu tàu thế giới tiếp tục duy trì ở mức 5%, mức thấp nhất trong bảy năm qua.
Thống kê này cũng đã giúp xóa tan bất kỳ nghi ngờ nào về khả năng FED sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách sắp tới, diễn ra trong hai ngày 15-16/12 tới.