Trong văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, chiếc ghe ngo giữ vai trò, vị trí rất quan trọng về mặt tâm linh. Người Khmer coi ghe ngo đua không giống như các ghe thông thường, mà đó là một vật thiêng.
Ngày xưa, ghe ngo (tiếng Khmer là “Tuk Ngo”) là một loại thuyền độc mộc khoét từ thân cây gỗ tốt, cây cổ thụ một thân, ra đời từ nhiều thế kỷ trước. Cách khoét ghe ngo theo hình cung giống như thuyền độc mộc của người Kinh.
Ngày nay, chiếc ghe ngo được ráp bằng nhiều mảnh ván có chiều dài và rộng tùy thuộc vào số lượng người bơi, trung bình mỗi chiếc có sức chở từ 20 - 60 người.
Thường một chiếc ghe ngo dài khoảng 25 - 30m, thon như một con rắn có thể lướt sóng tốt nhờ lực cản nhỏ, mũi và lái đều cong lên, được chạm hình đầu chim phượng, hoặc đầu một loại rắn nước.
Be của ghe ngo được trang trí bằng sơn màu trắng, xanh, đỏ, vàng, lườn ghe sơn đen. Một ghe ngo cùng một đội bơi là đại diện cho một chùa hoặc một phum, sóc.
Trước khi ra quân đi dự thi, các Achar (Trưởng ban Hoằng Pháp) đại diện cho đội làm lễ tạ thần ghe, thắp hương cúng vái. Lễ vật thường là gà, trứng, đầu heo… cùng những bài ca cúng thần linh theo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.
Cúng xong, đại diện đội ghe đánh ba hồi chuông để hạ thủy, sau khi trình lễ vật cúng thổ thần xong là xuất bến đi đến nơi tập trung thi đấu. Đồng bào Khmer tin rằng nếu quay đầu trở lại thì lần bơi ấy sẽ không gặp may mắn.
Mỗi đội ghe ngo khi thi đấu thường mặc đồng phục để phân biệt với các đội khác. Ngoài những người ngồi bơi, trên ghe ngo còn có một người chỉ huy, một người cầm lái, một người thổi tu huýt, một người ngồi giữa đánh chiêng đồng trợ oai.
Ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngày hội đua ghe ngo luôn thu hút rất đông người đến cổ vũ. Đồng bào dân tộc Khmer tin rằng nếu đội ghe của mình giành chiến thắng, là hãnh diện chung, việc làm ăn trong năm theo đó cũng thuận lợi, mùa màng bội thu.
Ghe ngo sau khi tham gia thi đấu trở về được cất giữ cẩn thận tại chùa. Các vận động viên thắng cuộc còn tập hợp sắm lễ vật cúng tạ thần ghe, vui chơi giải trí, tạo nên không khí vui vẻ trong phum, sóc.
Được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước nói chung, hiện nay tỉnh Sóc Trăng đã đưa vào sử dụng khán đài tổ chức lễ đua ghe ngo ĐBSCL tại tỉnh Sóc Trăng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Nhiều vận động viên và khác giả háo hức chờ xem giải đua ghe ngo. |
Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương ở ĐBSCL cũng có nhiều giải pháp thiết thực và việc làm cụ thể để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer nói chung, văn hóa ghe ngo nói riêng: Hỗ trợ kinh phí đóng và sửa chữa ghe ngo, hỗ trợ kinh phí và nguồn nhân lực trong mỗi đợt đi thi đấu, hỗ trợ tiền xây cất nhà giữ ghe ngo…
Tuy nhiên, theo thống kê của ngành văn hóa – thể thao và du lịch thì hiện nay rất ít người biết rõ về nguồn gốc của loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống này. Trước tình trạng trên, một số tỉnh ĐBSCL đã mở nhiều lớp dạy ghe ngo, đồng thời thành lập câu lạc bộ văn hóa dân tộc, đội văn hóa – văn nghệ, đội đua ghe ngo… tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Các câu lạc bộ này được tổ chức sinh hoạt hàng tuần hoặc hàng tháng nhằm ôn lại truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer và truyền đạt lại cho thế hệ tương lai.
Các vận động viên mừng chiến thắng. |
Với đồng bào dân tộc Khmer, giải nhất một địa vinh dự trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình. |
Việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Khmer và các dân tộc thiểu số nói chung được Đảng và Nhà nước ta xem là nhiệm vụ trọng tâm. Thế nhưng vấn đề này đang là bài toán khó đối với các cấp chính quyền tại địa phương, bởi lẽ chính bản thân đồng bào dân tộc còn chưa ý thức cao về gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Để khôi phục lại tất cả những nét văn hóa truyền thống sôi động của người Khmer là rất khó khăn, bởi chỉ có chính những người dân tộc Khmer tâm huyết mới thật sự vực dậy được những nét văn hóa truyền thống này. Chính sự hợp tác của người dân tộc Khmer sẽ khơi dậy tinh thần trách nhiệm bảo tồn phát huy nét văn hóa truyền thống của mình.
Bài và ảnh:Xuân Trang